Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

PHẪU THUẬT CẮT QUAI TĨNH MẠCH HIỂN LỚN VÀ PHẪU THUẬT MULLER – CẮT BỎ TĨNH MẠCH HIỂN GIÃN VỚI NHỮNG ĐƯỜNG RẠCH DA NHỎ ĐIỀU TRỊ GIÃN TĨNH MẠCH CHI DƯỚI

Ngày 30 tháng 6 năm 2023, Khoa Ngoại tổng hợp (B3) Bệnh viện 19-8 Bộ Công an tiến hành phẫu thuật cắt quai tĩnh mạch hiển lớn và phẫu thuật Muller (phẫu thuật với những đường rạch nhỏ 2-3cm trên đường đi của tĩnh mạch hiển, cắt bỏ tĩnh mạch giãn) cho bệnh nhân giãn tĩnh mạch chi dưới độ 4.

Bệnh nhân Trần Văn T. Nam. 64 tuổi. Tiền sử tăng huyết áp, viêm gan virus B đang điều trị bằng thuốc theo đơn. Bệnh biểu hiện 2 năm nay, tê bì- chuột rút vùng cẳng chân 2 bên, bên (trái) nhiều hơn bên (phải). Đi khám tại Bệnh viện tuyến dưới, được chẩn đoán Giãn tĩnh mạch chi dưới độ 4, phẫu thuật Stripping chân (trái), bệnh đỡ ít. Cách vào viện 02 tháng, tê bì kèm theo phù nhẹ cẳng chân 2 bên, xuất hiện những búi tĩnh mạch giãn ngoằn ngoèo trên da mặt trong + mặt sau đùi + cẳng chân (trái), chưa điều trị gì à BV 19-8 khám và điều trị.

Khám lúc vào: bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, phù nhẹ 2 cẳng chân, không sốt. Da – niêm mạc bình thường, thể trạng trung bình (BMI = 22 kg/m2), tuyến giáp không to, hạch ngoại vi không sờ thấy. Cẳng chân 2 bên phù mềm, ấn lõm nhưng chưa có biến đổi sắc tố da, nhiều búi tĩnh mạch giãn dưới da.

Bệnh nhân được chỉ định siêu âm Doppler mạch máu chi dưới 2 bên và các xét nghiệm cơ bản khác. Chẩn đoán: Suy tĩnh mạch mạn tính độ 4, có chỉ định phẫu thuật.

Hình ảnh giãn tĩnh mạch chi dưới của BN trước phẫu thuật

Ca phẫu thuật tiến hành sau khi nhập viện 01 ngày, các phẫu thuật viên tiến hành cắt quai tĩnh mạch hiển lớn sát tĩnh mạch đùi, rạch nhỏ trên da lấy bỏ đoạn tĩnh mạch hiển lớn trên đoạn dài 20cm, phần cẳng chân thực hiện phẫu thuật Muller lấy bỏ những đoạn tĩnh mạch hiển giãn to ngoằn ngoèo dưới da. Bệnh nhân sau mổ hoàn toàn ổn định, không sốt, cẳng chân không còn tê bì – chuột rút như trước kia. Ngày thứ 2 bệnh nhân có thể tự ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng trong buồng bệnh.

Hình ảnh tĩnh mạch hiển lớn được cắt bỏ

Hiện tại bệnh nhân đã ra viện và hẹn khám lại theo hẹn của bác sĩ.

Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là tình trạng suy giảm chức năng hệ tĩnh mạch chi dưới do suy các van tĩnh mạch thuộc hệ tĩnh mạch nông và/hoặc hệ tĩnh mạch sâu, có thể kèm theo thuyên tắc tĩnh mạch hoặc không.

Suy tĩnh mạch nông là thể hay gặp nhất của suy tĩnh mạch. Trong suy tĩnh mạch nông, các van trong hệ tĩnh mạch sâu có thể bình thường, máu từ hệ tĩnh mạch sâu chảy vào các tĩnh mạch nông bị giãn do các van bị hở.

Các van tĩnh mạch nông bị hở do nhiều nguyên nhân. Tổn thương trực tiếp hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây suy van tiên phát. Thành tĩnh mạch bị yếu bẩm sinh có thể bị giãn dưới áp lực bình thường, gây suy van thứ phát. Các tĩnh mạch và van bình thường cũng có thể bị căng ra quá mức do ảnh hưởng của các hormon (ví dụ trong khi có thai). Theo thời gian, các tĩnh mạch nông bị giãn to tới mức các van tĩnh mạch không thể khép kín được nữa, các tĩnh mạch này ngày càng giãn to và ngoằn nghoèo. Khi đó được gọi là giãn tĩnh mạch.

Hầu hết các trường hợp suy van tĩnh mạch nông xảy ra sau một điểm dò áp lực cao duy nhất giữa hệ tĩnh mạch sâu và nông. Áp lực cao có thể đổ vào các tĩnh mạch nông do hở các van ở bất cứ điểm nối nào giữa hệ tĩnh mạch sâu và nông. Hai nguồn chính gây dò áp lực cao từ hệ tĩnh mạch sâu vào hệ tĩnh mạch nông là hở van ở các quai tĩnh mạch hiển và hở van của các tĩnh mạch xuyên. Hở van ở quai tĩnh mạch hiển: Hay gặp nhất là hở van tiên phát tại chỗ nối giữa tĩnh mạch hiển lớn và tĩnh mạch đùi chung. Dạng ít gặp hơn là hở van tiên phát ở chỗ nối giữa tĩnh mạch hiển bé và tĩnh mạch khoeo. Hở van của các tĩnh mạch xuyên: Vị trí hay gặp nhất là hở van của các tĩnh mạch xuyên ở một phần ba trên đùi (tĩnh mạch xuyên Hunter) và ở phía trên bắp chân (tĩnh mạch xuyên Boyd).

Mục tiêu chính của các phương pháp điều trị là cải thiện tuần hoàn tĩnh mạch bằng cách loại bỏ dòng trào ngược trong lòng các tĩnh mạch bị suy. Chỉ định ngoại khoa được đặt ra khi suy tĩnh mạch không đáp ứng với điều trị nội khoa và xuất hiện các biến chứng của dòng trào ngược. Tùy theo tổn thương nằm ở hệ tĩnh mạch nông, sâu, xuyên, bác sĩ phẫu thuật sử dụng các phương pháp phẫu thuật khác nhau.

Phẫu thuật Muller được chỉ định trong những trường hợp các nhánh tĩnh mạch nông bàng hệ (thuộc hệ tĩnh mạch hiển hoặc không) giãn to ngoằn nghoèo dưới da và suy tĩnh mạch chi dưới mức độ nặng, với điều kiện đã điều trị triệt để suy tĩnh mạch hiển. Phẫu thuật Muller được bác sĩ Robert Muller đề xướng vào năm 1962. Với phẫu thuật này, bác sĩ tiến hành rạch những vết mổ nhỏ khoảng 2 – 3 cm ngay vị trí các tĩnh mạch nông giãn, qua đó dùng móc hoặc kẹp chuyên dụng rút bỏ các tĩnh mạch này. Đây là phương pháp phẫu thuật mang lại hiệu quả cao. Một ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể đi lại bình thường, các vết bầm dọc theo tĩnh mạch sẽ tự mất sau 3 - 4 tuần.

Kíp phẫu thuật

Khoa Ngoại tổng hợp (B3) Bệnh biện 19-8 Bộ Công an với đội ngũ Bác sỹ được đào tạo bài bản và chuyên sâu, luôn sẵn sàng nhận và điều trị ngoại khoa các bệnh lý ngoại khoa lồng ngực – mạch máu nói chung, giãn tĩnh mạch chi dưới nói riêng. Đã có nhiều bệnh nhân giãn tĩnh mạch chi dưới được điều trị phẫu thuật ổn định ra viện, khẳng định uy tín và niềm tin yêu của cán bộ chiến sỹ cũng như nhân dân khu vực đóng quân!

_BS. Thành – Khoa Ngoại tổng hợp_

Email: bsthanhcand@gmail.com