Số 9, đường Trần Bình, phường Từ Liêm, TP Hà Nội
Buổi khám bệnh, tặng quà tri ân do Đoàn Thanh niên Bệnh viện 19-8, Đoàn Thanh niên – Khối Nhân ái của báo Dân trí cùng Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity tổ chức đã trở thành cuộc gặp mặt ấm áp của gần 300 người có công tại Vĩnh Linh, Quảng Trị.
Lan toả yêu thương đến người có công
Sáng 9/7, gần 300 người là các cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh, người có công tại xã Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã được khám bệnh miễn phí và nhận quà tri ân trong chương trình do Đoàn Thanh niên Bệnh viện 19-8 phối hợp cùng Đoàn Thanh niên – Khối Nhân ái của Báo Dân trí và Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity tổ chức.
Xã Vĩnh Linh trong thời chiến thường được biết đến với tên gọi Đặc khu Vĩnh Linh, hay vùng đất “tọa độ lửa”. Trung bình, mỗi người dân nơi đây từng phải chịu ảnh hưởng của hơn 7 tấn bom đạn.
Mảnh đất anh hùng ấy đã góp phần to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc với 5.300 liệt sỹ, 2.700 thương binh và 740 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Nhằm tri ân những đóng góp to lớn ấy, Đoàn Thanh niên Bệnh viện 19-8 phối hợp cùng Đoàn Thanh niên – Khối Nhân ái của Báo Dân trí và Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity tổ chức chương trình “Khám bệnh, tặng quà tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng và người có công nhân dịp 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2025)”.
Chương trình có sự tham dự của nhà báo Phạm Tuấn Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Nội vụ, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Dân trí; bà Lê Thị Thanh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị; bà Diệp Thị Minh Quyết, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị; ông Trần Nhật Quang, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Linh; ông Nguyễn Thiên Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Linh; ông Trần Minh Thiết, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Vĩnh Linh; Thiếu tá Trần Hoài Nam, Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện 19-8; đại diện Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity.
Từ sáng sớm, khuôn viên Nhà văn hóa Hòa Phú (xã Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã rộn ràng với những bước chân của hàng trăm cựu chiến binh, người có công và thân nhân cùng đi. Người chống gậy, người ngồi xe lăn, tay bắt mặt mừng, khiến cho buổi khám chữa bệnh bỗng trở thành buổi gặp mặt của các cựu chiến binh cùng nhau ôn lại những chiến tích năm xưa.
Phát biểu tại chương trình, nhà báo Phạm Tuấn Anh khẳng định: “Hướng đến kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2025), Đảng, Nhà nước và các địa phương đồng loạt tổ chức nhiều chương trình tri ân người có công. Báo Dân trí là cơ quan ngôn luận của Bộ Nội vụ, tích cực tham gia và tuyên truyền các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trên cả nước”.
Tổng Biên tập báo Dân trí cho biết, ngày 7-8/7, Đoàn Thanh niên Bệnh viện 19-8 phối hợp cùng Đoàn Thanh niên – Khối Nhân ái của Báo Dân trí và Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity tổ chức thăm khám sức khỏe tại nhà cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương bệnh binh nặng ở Vĩnh Linh - địa bàn có bề dày lịch sử, đóng góp rất lớn trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của đất nước.
“Chúng tôi muốn đóng góp công sức của mình cho những thế hệ đã hy sinh quên mình vì độc lập, tự do của đất nước. Hy vọng rằng, những hoạt động này sẽ phần nào đó giúp đỡ và là nguồn động viên những người có công với đất nước”, nhà báo Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
Tại buổi lễ tri ân, Bà Lê Thị Thanh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị bày tỏ lòng biết ơn trước sự đồng hành thiết thực của Đoàn Thanh niên Bệnh viện 19-8, Đoàn Thanh niên – Khối Nhân ái của Báo Dân trí và Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity trong việc chăm lo sức khỏe cho người có công.
Bà Thanh nhấn mạnh, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị không ngừng huy động mọi nguồn lực để chăm lo các đối tượng chính sách, thế nhưng vẫn còn nhiều hoàn cảnh cần được quan tâm hơn nữa.
“Tôi mong rằng, với sự chung tay của cộng đồng, trong đó báo Dân trí với vai trò kết nối sẽ tiếp tục được nhân rộng và giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn nữa trên cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng”, bà Thanh mong muốn.
Chỉ tính riêng địa bàn huyện Vĩnh Linh (cũ) có 5.300 liệt sỹ, 2.700 thương binh, 740 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 30.000 người mang huân, huy chương các loại; 12 nghĩa trang liệt sỹ quy tập gần 9.000 chiến sĩ từ 41 tỉnh thành, trong đó Nghĩa trang Vĩnh Linh là 1 trong 4 nghĩa trang lớn nhất cả nước.
“Thời gian cầm xẻng đào hố còn nhiều hơn cầm súng”
Ngồi trên chiếc xe lăn với mái tóc bạc phơ, ông Trần Bá Minh Xượng (SN 1932) tay cầm tờ giấy khám bệnh, tự hào kể cho chúng tôi về những năm tháng chiến đấu oai hùng.
Giai đoạn 1960-1975, ông Xượng nhận nhiệm vụ xây dựng cơ sở trong lòng địch ở Gia Lai. Để nhanh chóng hòa nhập, “ẩn mình” trước quân địch, ông cùng các đồng đội học cách ăn nói của người địa phương.
Theo ông Xượng, chiến tranh ác liệt, sự sống và cái chết đôi khi chỉ cách nhau mấy mét chiến hào.
“Trận đánh năm 1964, địch cản bước chúng tôi bằng cách rải chất độc từ mặt đường vào đến rừng. Ẩn náu dưới chiến hào, tôi thấy từng đồng đội cạnh mình lần lượt ngã xuống”, người cựu binh nói ngập ngừng, mắt đỏ hoe.
May mắn sống đến thời khắc hòa bình nhưng chiến tranh cũng đã để lại trong người cựu binh già này những mảnh đạn và chất độc da cam.
Cũng như ông Xượng, mang trong mình vết thương chiến tranh, chất lượng cuộc sống, sức khỏe của nhiều cựu chiến binh bị ảnh hưởng nặng nề.
Dù được các cấp chính quyền quan tâm, nhưng đi lại khó khăn nên việc tiếp cận y tế tuyến trên của các thương bệnh binh, người có công, Mẹ Việt Nam Anh hùng ở địa bàn còn gặp khó khăn. Do đó, việc được các y bác sĩ tuyến Trung ương đến tận địa phương thăm khám và tư vấn sức khỏe đem lại giá trị rất thiết thực và ý nghĩa.
Hoạt động khám bệnh được Đoàn Thanh niên Bệnh viện 19-8 phối hợp cùng Đoàn Thanh niên – Khối Nhân ái của Báo Dân trí và Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity tổ chức bài bản, khoa học. Khu vực hội trường được bố trí thành nhiều bàn riêng biệt để đo huyết áp, cân nặng, khám chuyên khoa và phát thuốc.
Các bàn khám cũng được chia theo từng chuyên khoa: nội, ngoại, tim mạch, đo loãng xương, mắt, tai - mũi - họng... Tại đây, người dân được trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và tư vấn chuyên sâu tình trạng sức khỏe.
Không ít thương binh lớn tuổi xúc động khi lần đầu tiên được nghe tư vấn cặn kẽ về bệnh lý xương khớp mãn tính, được kiểm tra huyết áp và hướng dẫn cách tự chăm sóc chủ động tại nhà.
Ông Phan Văn Dương (SN1940) có mặt từ 7h30 sáng tại Nhà văn hóa Hòa Phú, xúc động bày tỏ: “Tôi rất phấn khởi vì được cán bộ y tế tuyến trên về tư vấn, giúp tôi hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe.
Cảm ơn các đơn vị đã đồng hành tri ân và tư vấn sức khỏe cộng đồng nói chung và các Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng nói riêng”.
Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện ông Dương bị huyết áp cao và nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Do tuổi cao và điều kiện chăm sóc y tế còn hạn chế, các bác sĩ đã hướng dẫn chế độ ăn phù hợp và khuyên ông nên đi tái khám định kỳ tại cơ sở y tế gần nhất.
Không chỉ ông Dương, nhiều thương bệnh binh khác cũng bày tỏ xúc động khi được thăm khám tỉ mỉ, được hướng dẫn cách phòng ngừa biến chứng và điều chỉnh chế độ sinh hoạt phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Ông Nguyễn Văn Minh (SN 1939) là thương binh bị mất 1 mắt do mảnh bom văng trúng. Suốt mấy chục năm qua, ông Minh vẫn phải hàng ngày chịu đựng những di chứng chiến tranh. Một mắt đã mờ hẳn, tay bị đau nhức mỗi khi trái gió trở trời.
“Hôm nay được các bác sĩ khám rất kỹ, tư vấn cặn kẽ các vấn đề mà tôi đang gặp phải. Tôi rất vui khi những người trẻ vẫn luôn dành cho chúng tôi sự quan tâm, kính trọng.
Mong rằng sắp tới uống thuốc, làm theo lời bác sĩ, cái tay đỡ đau, chân đỡ mỏi. Thế là phấn khởi lắm rồi!”, người cựu chiến binh cười hào sảng.
Ông Lê Doãn Nghiệp (SN 1942) ở thôn Thượng Hoà, xã Vĩnh Linh dù mất một chân, ông vẫn cố gắng đi xe máy ba bánh đến nhà văn hoá để tham gia chương trình. “Được xã thông báo có các bác sĩ tuyến trên về khám, tôi đã rủ thêm những người đồng đội cùng quê đến khám từ sớm. Tôi cũng rất mừng vì nhận thêm thuốc của các dược sĩ”, ông Nghiệp tươi cười nói.
Trước đây, khi còn tham gia chiến đấu, ông Nghiệp là lái xe cho quân y. Năm 1972, trong một lần bệnh viện bị tấn công, tuy giữ được tính mạng nhưng ông bị thương rất nặng, phải mổ bỏ một bên thận, thủng màng nhĩ đến điếc hẳn một bên tai, chân phải bị róc thịt nặng nề. Sau này khi bị tai nạn, ông phải cắt luôn chân trái để thôi những đau đớn kéo dài. Công việc lái xe cứu thương từ đấy cũng phải dừng lại.
Ông Hoàng Minh Chúng (SN 1946) và bà Nguyễn Thị Tuyên (SN 1949) gặp nhau trên chiến trường Quảng Trị, khi đó ông là một chiến sĩ công an, còn bà khi ấy là thanh niên xung phong. Năm 1972, chịu sức ép bom nổ, những mảnh đạn vẫn đang ghim sâu trên đầu và hai cánh tay ông, một bên tai bị điếc hoàn toàn. Cả buổi khám bệnh, ông bà đi bên nhau như hình với bóng, bà Chúng trở thành “thông dịch viên” cho chồng mình.
Theo ThS.BS Trần Hoài Nam, Trưởng đoàn y tế Bệnh viện 19-8: “Trong buổi sáng, các bác sĩ đã thăm khám cho gần 300 bệnh nhân là các bác thương bệnh binh, người có công.
Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện những bệnh thường gặp nhất là tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi mãn tính và các vấn đề về xương khớp. Phần lớn thương binh, người có công đều đã lớn tuổi, sống ở vùng khí hậu khắc nghiệt, sinh hoạt khó khăn nên rất dễ mắc các bệnh lý mãn tính”.
“Với những thương binh từng chịu ảnh hưởng của chất độc da cam, nhu cầu chăm sóc chuyên sâu càng cấp thiết để phát hiện sớm các di chứng và có phương án điều trị kịp thời”, ThS. BS Nam chia sẻ.
Không chỉ là điều trị y khoa, đội ngũ y bác sĩ còn dành thời gian tư vấn về chế độ dinh dưỡng, vận động phù hợp, phòng ngừa tái phát bệnh và xây dựng thói quen sống khỏe cho từng nhóm tuổi. Bệnh nhân cũng được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe chủ động tại nhà.
Kết thúc buổi thăm, khám bệnh, các dược sĩ Pharmacity cẩn trọng hướng dẫn từng loại thuốc, cách sử dụng và liều lượng cho người dân. Ngoài thuốc điều trị, chương trình còn chuẩn bị nhiều loại vitamin, thuốc bổ nhằm hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, đặc biệt dành cho người cao tuổi và người có bệnh nền.
“Nhân chương trình tri ân người có công tại xã Vĩnh Linh, Pharmacity trân trọng gửi tặng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công những phần quà chăm sóc sức khỏe.
Chúng tôi hy vọng những sản phẩm này sẽ góp phần hỗ trợ, nâng cao chất lượng chăm sóc y tế cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng và các thương, bệnh binh trên địa bàn”, bà Đỗ Thị Thùy Vân, Giám đốc Truyền thông Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity chia sẻ.
Bước chân tri ân hướng về nơi từng là “tọa độ lửa”
Nhân dịp 27/7, đại diện đoàn công tác đã trao tặng 50 suất quà, mỗi suất 1 triệu đồng tiền mặt được trích từ nguồn bạn đọc ủng hộ, trong đó, ngày 7 và 8/7 đoàn đã đến nhà, thăm, khám và trao quà tới 5 Mẹ Việt Nam Anh hùng và 10 thương, bệnh binh nặng.
“Trong những năm qua báo Dân trí đã kết nối, tổ chức các chương trình xã hội thiện nguyện tại nhiều địa phương trên cả nước với sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bệnh viện ở nhiều địa phương, đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung ương. Trong đó Đoàn Thanh niên Bệnh viện 19-8 và Đoàn Thanh niên báo Dân trí đã có mối quan hệ bền vững, sâu sắc.
Các đoàn y bác sĩ trẻ của Bệnh viện 19-8 đã đồng hành cùng báo Dân trí tới nhiều nơi ở vùng sâu vùng xa gặp nhiều khó khăn trên cả nước. Cùng với đó, các đơn vị đã xây dựng nhiều công trình như xây nhà, xây cầu, làm đường, đồng thời triển khai khám, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân trên địa bàn”, nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập báo Dân trí chia sẻ tại chương trình.
_Dân trí_