Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

Bệnh viện 19-8 cứu sống bệnh nhân bị ngừng tim do nhồi máu cơ tim

Sau khi hít phải khói thuốc lá điện tử thụ động, nam bệnh nhân 39 tuổi (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bỗng đau thắt ngực, lập tức bắt taxi vào Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an). Nhưng 3 phút sau khi vào Khoa Cấp cứu, bệnh nhân kích thích giãy giụa, vã mồ hôi và ngừng tim.

Theo ThS.BS Bùi Nam Phong, Trưởng Khoa Điều trị tích cực và Chống độc, Bệnh viện 19-8, nam bệnh nhân C.Đ.C (SN 1984, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm. Trước đó, bệnh nhân bị sốt xuất huyết vừa khỏi bệnh. Tối 26/8, khi đang đi ăn cùng bạn, nam bệnh nhân hít phải khói thuốc lá điện tử và xuất hiện tình trạng đau tức vùng ngực bên trái, cảm giác tim co thắt, khó thở. Do biết mình dị ứng với khói thuốc lá điện tử, bệnh nhân lập tức bắt xe taxi đến thẳng Bệnh viện 19-8.

Bệnh viện 19-8 cứu sống bệnh nhân bị ngừng tim do nhồi máu cơ tim -0

Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim điều trị tại Bệnh viện 19-8.

Sau 3 phút vào viện, bệnh nhân đột ngột có biểu hiện co giật mất ý thức, tím tái toàn thân, các bác sĩ phải cấp cứu sốc điện về nhịp xoang. Nhưng 5 phút sau, bệnh nhân lại xuất hiện rung thất, ngừng tim.

Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Cấp cứu và Khoa Điều trị tích cực và Chống độc phối hợp cấp cứu ngừng tim, sốc điện, đặt nội khí quản cho bệnh nhân, sau đó bệnh nhân được chuyển vào Khoa Điều trị tích cực và Chống độc tiếp tục điều trị thở máy, hồi sức tích cực. Lúc này, bệnh nhân vẫn trong tình trạng lơ mơ, kích thích.

Bệnh nhân được chẩn đoán sốc tim, nhồi máu cơ tim, các bác sĩ đã hội chẩn với Khoa Tim mạch, xin ý kiến Ban Giám đốc chụp mạch vành để can thiệp mạch vành cho bệnh nhân. Kết quả chụp động mạch vành qua da cho thấy xuất hiện huyết khối tắc toàn bộ động mạch liên thất trước.

Các bác sĩ tiến hành hút huyết khối, đặt stent cho người bệnh. Sau can thiệp, bệnh nhân chuyển vào Khoa Điều trị tích cực và Chống độc tiếp tục điều trị thở máy, an thần, trợ tim, vận mạnh, hồi sức tích cực.

Theo BS Bùi Nam Phong, 2 ngày sau khi ngừng tim và được can thiệp mạch vành, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, được bỏ thở máy, rút ống nội khí quản. Hiện, bệnh nhân tiến triển rất tốt và chuyển sang Khoa Tim mạch để chuẩn bị ra viện.

BS Phong cho biết, bệnh nhân rất may mắn bởi còn trẻ, có phản xạ nhanh, cảnh giác với nguy cơ bệnh lý tim mạch nên đã vào viện ngay. Nếu bệnh nhân vào chậm khoảng 10-15 phút, khả năng khó có thể cứu sống.

"Thành công của ca bệnh là sự phối hợp nhịp nhàng của các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Khoa Điều trị tích cực và Chống độc, Khoa Tim mạch trong việc cấp cứu, hội chẩn, chẩn đoán ngay từ đầu khi bệnh nhân vào viện và can thiệp đặt stent kịp thời. Tại Khoa Điều trị tích cực và chống độc, chúng tôi tiếp tục điều trị tích cực với các biện pháp điều trị hồi sức cấp cứu tiên tiến, máy móc hiện đại và sử dụng các loại thuốc tốt nhất để cứu sống bệnh nhân", BS Phong chia sẻ.

BS Phong cảnh báo, sau khi bị sốt xuất huyết mà có rối loạn về đông máu có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Người bị sốt xuất huyết, ngoài nguy cơ gây xuất huyết, chảy máu còn có thể gây rối loạn đông máu, xuất hiện các cục máu đông gây tắc mạch. Đây cũng có thể là lý do gây tắc mạch vành, gây nhồi máu cơ tim.

_Công an nhân dân Online_