Số 9, đường Trần Bình, phường Từ Liêm, TP Hà Nội

Ấm áp buổi tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng tại miền đất thiêng Quảng Trị

Hướng về tháng Bảy tri ân, báo Dân trí phối hợp cùng Bệnh viện 19-8 tổ chức thăm khám sức khỏe cho 3 Mẹ Việt Nam Anh hùng - biểu tượng của sự hy sinh thầm lặng vì hòa bình.

"Mẹ muốn sống vui, sống khỏe thêm 20 năm nữa với các con"

Vượt hơn 500km đến với miền đất thiêng Quảng Trị, chúng tôi có dịp được đến thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Tạ Thị Phún.

93 tuổi đời - gần 1 thế kỷ đi qua với biết bao dông bão, cuộc đời mẹ Phún là những tháng ngày lặng thầm gánh chịu nỗi đau khi chồng hy sinh vì Tổ quốc. Một mình nuôi con, mẹ đã vượt qua mất mát bằng nghị lực phi thường và tình yêu thương vô bờ dành cho các con. Mẹ Phún hiện sống cùng người con út tại quê nhà.

Gặp mẹ Phún, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là thần sắc mẹ hồng hào, nụ cười hiền hậu, đôi mắt ấm áp dù đã mờ đục theo năm tháng. Tuổi cao, tai nghe kém, thỉnh thoảng huyết áp tăng nhẹ, nhưng sức khỏe của mẹ vẫn được duy trì ổn định nhờ sự chăm sóc tận tụy của con cháu.

Căn nhà nhỏ của mẹ tuy đơn sơ nhưng ngăn nắp. Khi được bác sĩ thăm khám và nhẹ nhàng dặn dò, mẹ mỉm cười, ánh mắt lấp lánh: "Mệ chẳng mong gì hơn, chỉ mong sống vui, sống khỏe thêm 20 năm nữa với các con".

Câu nói giản dị của mẹ khiến chúng tôi cảm động. Bởi mẹ đã hy sinh cả một đời, giờ chỉ mong được yêu thương, được sống vui vẻ trọn vẹn từng ngày còn lại bên con cháu.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Lựu: Mang 2 nỗi đau suốt cuộc đời và ký ức chưa từng phai nhòa

Mẹ Lê Thị Lựu (SN 1927) là minh chứng sống cho một thế hệ kiên cường đã đi qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt mà hào hùng.

Mẹ Lựu từng có một gia đình nhỏ ấm áp với chồng và 5 người con. Những năm tháng chiến tranh, chồng mẹ xung phong ra mặt trận, là đội trưởng Đội Cờ đỏ rồi ngã xuống tại chiến trường Vĩnh Linh năm 1966.

Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì năm 1978, người con trai thứ 3 của mẹ hy sinh tại chiến trường Campuchia.

Trước ngày hy sinh, anh đã gửi về cho gia đình nhiều lá thư, trong đó có những lời dặn dò chan chứa yêu thương dành cho đứa cháu chưa từng gặp mặt.

Bà Hoàng Thị Đào (SN 1955, con gái cả của mẹ Lựu) xúc động kể: "Khi nhận được giấy báo tử, mệ như chết lặng. Những ngày sau đó, bà khóc đến kiệt sức. Cả đời mệ tôi gồng gánh gia đình với hai vết thương lòng, thời gian dù có bao lâu cũng chẳng thể nguôi ngoai. Biết được tin các bạn đến thăm khám ngày hôm nay, cả ngày qua mệ tôi thao thức suốt. Người già mà, tình cảm, sự quan tâm mới là chân quý nhất, những điều khác nữa đâu còn nhiều ý nghĩa".

Gần 100 tuổi, mẹ Lựu vẫn rất minh mẫn. Mẹ vẫn nhớ từng mốc thời gian, từng địa danh nơi chồng và con trai hy sinh. Không gian nhỏ nơi mẹ sống cùng con cháu lưu giữ nhiều kỷ vật của những người thân đã ngã xuống vì Tổ quốc. Mỗi câu chuyện mẹ kể là một lát cắt lịch sử, thấm đẫm máu, nước mắt và cả niềm tự hào thiêng liêng không thể đo đếm.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Lưu Thị Dy: Quên cả tên mình, mẹ vẫn nhớ người con đi mãi không về

Mẹ Lưu Thị Dy năm nay hơn 90 tuổi, đôi khi quên tên mình, quên người đối diện, nhưng ký ức về người con út hy sinh nơi chiến trường, sau mấy mươi năm, vẫn vẹn nguyên.

Mẹ bị lãng tai, đục thủy tinh thể và có sỏi túi mật, sức khỏe giảm sút. Thế nhưng, trong ngôi nhà đơn sơ, mẹ luôn được vợ chồng người con gái chăm sóc chu đáo từng bữa cơm, giấc ngủ bằng tất cả tình yêu thương và sự tận tụy.

Tình yêu thương của con cháu và gia đình là nguồn động viên, an ủi ấm áp với các mẹ mỗi ngày. Và hơn thế, các mẹ còn luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc từ cộng đồng.

Trong những tháng ngày thanh bình hôm nay, sự quan tâm ấy chính là cách cộng đồng, xã hội thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân, ghi nhớ những hy sinh thầm lặng của các mẹ.

Chuyến thăm hôm nay không chỉ là hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đó là cuộc hành hương về quá khứ, về nơi trái tim người mẹ từng âm thầm gánh chịu những mất mát đau thương, là dịp để thế hệ hôm nay cúi đầu trước những hy sinh không thể đong đếm.

Mỗi người mẹ là một tượng đài sống. Họ không trực tiếp cầm súng, không ra chiến trường, nhưng luôn là hậu phương vững chắc nhất của tiền tuyến. Họ giữ lửa yêu thương, giữ ký ức chiến tranh bằng trái tim bao la của người mẹ Việt Nam.

Trong không khí thiêng liêng của tháng Bảy tri ân, xin được kính cẩn nghiêng mình trước những người mẹ đã dâng hiến cả cuộc đời cho Tổ quốc. Cầu mong các mẹ luôn mạnh khỏe, an yên bên con cháu, và mãi là ngọn đèn sáng, soi rọi tinh thần yêu nước cho các thế hệ mai sau.

  • Chương trình Khám bệnh, tặng quà tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công tại Vĩnh Linh, Quảng Trị nhân dịp 27/7 là chương trình do báo Dân trí phối hợp cùng Bệnh viện 19-8 Bộ Công an, Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity tổ chức.
  • Chương trình diễn ra 3 ngày từ 7-9/7 với các hoạt động chính: khám bệnh, tư vấn sức khỏe, tặng quà tại nhà 5 Mẹ Việt Nam Anh hùng và 10 thương bệnh binh nặng; khám, tư vấn sức khỏe, tặng quà 300 thương bệnh binh, gia đình chính sách tại địa bàn xã Vĩnh Linh; dâng hương Nghĩa trang liệt sỹ Vinh Linh, Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9, Thành cổ Quảng Trị.
  • Tại chuỗi sự kiện này, báo Dân trí sẽ trao tặng 50 suất quà tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh, mỗi suất quà là 1 triệu đồng tiền mặt do bạn đọc báo Dân trí ủng hộ; Công ty cổ phần Dược phẩm Pharmacity tài trợ 300 suất quà tặng, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cùng 20 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng) cho 20 em học sinh khó khăn trên địa bàn Vĩnh Linh; đoàn bác sĩ Bệnh viện 19-8 Bộ Công an hỗ trợ khám, tư vấn miễn phí.

_Dân trí_