Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
Ngày 25/11/2020, kíp trực khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh viện 19-8 được mời hội chẩn tại khoa Cấp cứu 1 trường hợp chấn thương thận do tai nạn sinh hoạt.
Theo đó, bệnh nhân Nguyễn Văn M. sinh năm 1971 trong khi lao động leo giàn giáo đã không may bị ngã đập thắt lưng trái xuống nền đất cứng. Sau tai nạn bệnh nhân cảm thấy đau dữ dội vùng mạn sườn trái, được đồng nghiệp đưa vào Bệnh viện 19-8 để kiểm tra.
Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện 19-8, sau khi tiến hành thăm khám, chụp chiếu và thăm dò tổn thương, các bác sĩ phát hiện thận trái của bệnh nhân bị vỡ, nước tiểu từ bể thận thoát ra quanh thận. Bác sĩ trực chuyên khoa Ngoại Tiết niệu được mời hội chẩn khẩn cấp.
Hình ảnh chụp Cắt lớp vi tính của bệnh nhân
Thạc sĩ Nguyễn Trần Thành, bác sĩ trực tiếp hội chẩn cho biết: “Trên hình ảnh CT scanner Hệ tiết niệu, thận trái của bệnh nhân cho thấy nhu mô giãn mỏng, chỗ mỏng nhất 1mm, dày nhất chỉ 7mm, nước tiểu thoát ra ngoài thận tạo khối tụ dịch lớn quanh thận kích thước 15cm. Niệu quản trái đoạn trên giãn to, có 1 viên sỏi kích thước 16mm tắc nghẽn. Đây chính là nguyên nhân khiến thận bị ứ nước độ IV. Người nhà bệnh nhân cho biết đã phát hiện sỏi niệu quản từ cách 1 tháng, nhưng do sợ phẫu thuật nên đã về nhà uống thuốc Nam của thầy lang, thấy đỡ đau nên chủ quan không đi tái khám.”
Do khối tụ dịch lớn gây chèn ép, cộng thêm tình trạng ứ nước diễn tiến từ lâu, nguy cơ phải cắt bỏ thận trái rất lớn. Các bác sĩ khoa Ngoại Tiết niệu lập tức triển khai mổ cấp cứu xử trí tổn thương.
Trong quá trình phẫu thuật, các phẫu thuật viên nhận định thận trái vỡ phức tạp cực trên; tuy nhiên nhu mô thận cực trên và dưới còn tốt, bởi vậy kíp mổ quyết định sẽ khâu bảo tồn thận, đồng thời loại trừ căn nguyên gây ra tình trạng ứ nước là viên sỏi kẹt trong niệu quản và những viên sỏi rải rác trong thận.
Các bác sĩ khoa Ngoại tiết niệu tiến hành mổ khẩn cấp cứu quả thận của bệnh nhân
Ca phẫu thuật được tiến hành thuận lợi. Bệnh nhân được đưa về chăm sóc hậu phẫu tại khoa Ngoại Tiết niệu. Sau phẫu thuật 5 ngày, sức khoẻ bệnh nhân diễn tiến tốt, quả thận trái được bảo tồn nguyên vẹn và đang trong quá trình hồi phục, các xét nghiệm chức năng thận trở lại bình thường.
Thạc sĩ bác sĩ Mai Tiến Dũng, phó trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, phẫu thuật viên chính cho ca mổ khuyến cáo: “Chỉ từ 1 viên sỏi kẹt trong ống niệu quản không được xử trí hợp lý, quả thận của bệnh nhân suýt nữa đã phải cắt bỏ. Viên sỏi khiến nước tiểu không thể thoát xuống bàng quang, dẫn đến ứ nước thận, thận căng to, nhu mô mỏng và rất dễ tổn thương. Người dân không nên chủ quan khi thấy dấu hiệu cơn đau do sỏi tiết niệu không còn, vì viên sỏi có thể vẫn nằm tại vị trí tắc nghẽn. Người bệnh biết bản thân bị sỏi thận, sỏi niệu quản cần phải đến bệnh viện nơi có chuyên khoa Ngoại Tiết niệu để được thăm khám chụp chiếu và đánh giá chính xác.”
Bệnh nhân hậu phẫu ngày thứ 5 vui mừng cùng vợ và 2 phẫu thuật viên trực tiếp thực hiện ca mổ
Hiện nay, theo nghiên cứu của y học hiện đại, các biện pháp điều trị sỏi tiết niệu bằng thuốc chỉ có tác dụng hỗ trợ quá trình tống xuất sỏi tự nhiên của cơ thể, như tăng nhu động niệu quản, giãn cơ trơn mở rộng lòng ống niệu quản, lợi tiểu tăng áp lực dòng nước tiểu... Tuy nhiên, không phải viên sỏi tiết niệu nào cũng có thể điều trị bằng nội khoa dùng thuốc. Để đảm bảo an toàn và có một hệ tiết niệu khoẻ mạnh, bệnh nhân cần được khám và thăm dò bằng kiến thức và phương tiện chẩn đoán hiện đại, từ đó đề ra được hướng điều trị hợp lý nhất cho từng trường hợp cụ thể.
_ThS, Bs Trần Hoài Nam – Khoa Ngoại tiết niệu_