Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
Thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi giữa ngày và đêm khiến nhiều người mắc bệnh về đường hô hấp. Trung bình 1 ngày, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) tiếp nhận 70-80 trường hợp đến khám hô hấp, tăng khoảng 10-15% so với hè. Theo các bác sĩ, tỷ lệ ung thư phổi, lao phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính gia tăng trong những năm gần đây, hầu hết đều liên quan đến khói thuốc lá, nhiều người để nặng mới đến viện nên ở giai đoạn muộn, phải điều trị tốn kém.
Khoa Nội hô hấp (Bệnh viện 19-8) đang có khoảng 70 bệnh nhân điều trị nội trú, tăng 15% so với thời điểm hè. Bệnh nhân vào nhập viện chủ yếu bị viêm phổi do virus, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…Thời tiết thay đổi khiến nhiều người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính xuất hiện đợt cấp phải vào nhập viện. Bên cạnh đó, những người bị hen phế quản có tiền sử hút thuốc lá, khi thay đổi thời tiết xuất hiện các đợt hen cấp; hoặc những bệnh nhân đang có bệnh hen phế quản nhưng vẫn hút thuốc lá, khi thời tiết thay đổi đã chuyển biến nặng, phải vào khám và nhập viện tăng cao.
Theo ThS.BSCKII Vũ Thị Dịu, Phó trưởng Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện 19-8, nhiều bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mãn tính khi xuất hiện đợt cấp nhưng không đến viện kịp thời, đến khi tình trạng nặng mới tới viện thì phải cấp cứu, thậm chí nguy kịch phải đặt nội khí quản thở máy. “Những trường hợp nặng phải thở máy chức năng phổi giảm nhiều, những đợt cấp sau xuất hiện dày hơn, nặng hơn, điều trị rất tốn kém và kéo dài. Ngược lại, người đến viện sớm, bác sĩ có thể chỉ kê đơn và cho điều trị ngoại trú”, BS Dịu cho biết.
Bác sĩ Vũ Thị Dịu khám cho bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mãn tính.
Bệnh viện 19-8 hiện đang quản lý khoảng 700 người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen. Không chỉ người cao tuổi mà gần đây, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ngày càng trẻ hoá. Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này hầu hết đều liên quan đến khói bụi, ô nhiễm, hút thuốc lá. Ngay cả người làm nghề nail nếu không đeo khẩu trang bảo hộ và hút bụi thì vẫn có thể mắc bệnh phổi tắc nghẽn. Điển hình là nữ bệnh nhân 37 tuổi (Hà Nội) vào nhập viện tại Khoa Nội hô hấp trong tình trạng khó thở, ho, khạc đờm, lúc đầu các bác sĩ nghĩ tới bệnh hen. Tuy nhiên, khi đo chức năng hô hấp, các bác sĩ phát hiện chỉ số của cô giống như người già mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính lâu năm.
Khai thác tiền sử, nữ bệnh nhân không hút thuốc, không tiếp xúc với khói thuốc, nhưng có nghề làm nail 7 năm nay. Công việc thường ngày của cô là sơn móng cho khách, dùng máy cắm điện mài xì móng gây bụi bay mù mịt. Mặc dù có máy hút bụi nhưng môi trường cải thiện không đáng kể. Sau nhiều năm hít phải bụi đã khiến cô mắc căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. “Chúng tôi tư vấn cho bệnh nhân cách phòng bệnh như đeo khẩu trang khi làm việc, hút bụi tốt, tái khám định kỳ để bệnh không tiến triển nặng thêm”, BS Dịu cho hay.
Bên cạnh khói bụi thì hút thuốc lá thụ động cũng là nguyên nhân gây phổi tắc nghẽn mãn tính. Vào nhập viện trong tình trạng ho, khó thở, bà Nguyễn Thị Mùi (56 tuổi, Hà Nội) được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Chồng bà Mùi nghiện thuốc lá nhiều năm, hai vợ chồng làm việc tại nhà và hàng ngày, bà Mùi hít phải khói thuốc lá từ chồng. Cách đây 5 năm, chồng bà phát hiện bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và lần này tới viện, bà mới biết mình mắc căn bệnh giống chồng do hút thuốc lá thụ động.
Có nữ bệnh nhân làm nghề bán nước chè, quanh năm tiếp xúc với khách hút thuốc lá, thuốc lào, khi vào nhập viện được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do hít phải khói thuốc lá thụ động
Nếu như 15 năm trước, cứ 10 ca vào khám hô hấp tại Bệnh viện 19-8, phát hiện 1-2 ca có khối u ở phổi đã là nhiều, thì nay, tỷ lệ bệnh nhân có khối u ở phổi sau khi sinh thiết cho kết quả ung thư khá cao, hầu như đều liên quan đến thuốc lá. Bệnh nhân ung thư phổi ngày càng trẻ hoá, tỷ lệ nữ tăng so với trước đây. Ung thư phổi là vấn đề rất nhức nhối, đòi hỏi các bác sĩ lâm sàng phải cố gắng chạy đua với thời gian để chẩn đoán giai đoạn bệnh sớm hơn cho bệnh nhân, nâng cao tỷ lệ sống.
Theo ThS.BS Vũ Thị Dịu, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến căn bệnh ung thư phổi, ung thư thanh quản. Sau 7 năm điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính, ông N.T.V (70 tuổi, Thái Nguyên) được xác định ung thư phổi trong đợt khám sức khoẻ định kỳ mới đây tại Bệnh viện 19-8. Chia sẻ về bệnh tình của mình, ông V cho biết, ông nghiện thuốc lá hơn 30 năm. Khi phát hiện bệnh phổi, bác sĩ đã khuyên ông bỏ thuốc, tuy nhiên, căn bệnh ung thư vẫn ập đến.
Hiện nay, tất cả kỹ thuật mới, tiên tiến nhất của y học thế giới đều xoáy sâu vào xâm lấn tối thiểu nhằm giúp ích cho người bệnh mắc ung thư phổi, đặc biệt chẩn đoán giai đoạn bệnh sớm. Bệnh viện 19-8 đã được chuyển giao kỹ thuật nội soi siêu âm Ebus trong chẩn đoán, thực hành trên mô hình từ chuyên gia hàng đầu Nhật Bản. Kỹ thuật này giúp các bác sĩ sinh thiết được hạch trung thất rất nhỏ dưới 1mm, khi người bệnh chưa có triệu chứng lâm sàng, đặc biệt những bệnh lý về lao hạch mà những biện pháp thông thường không tiếp cận được. Điều này giúp bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn rất sớm (giai đoạn 1), mang đến rất nhiều triển vọng kéo dài tuổi thọ.
Theo Phó trưởng Khoa Nội hô hấp, điều trị ung thư phổi ngày nay cũng nhiều khả quan hơn trước, nếu có đột biến gene sẽ điều trị thuốc nhắm đích, miễn dịch, mang lại hiệu quả cao. Phát hiện sớm và được phẫu thuật là quan trọng nhất trong điều trị ung thư. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn chủ quan không đi khám sức khoẻ định kỳ, để tới ung thư giai đoạn muộn mới được phát hiện, không còn khả năng phẫu thuật. “Người dân nên đi khám sức khoẻ định kỳ, đặc biệt người có yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tiếp xúc với khói bụi 6 tháng đến 1 năm chụp tim phổi một lần. Khi có triệu chứng, dấu hiệu bất thường phải đến ngay với bác sĩ chuyên khoa sớm nhất”, BS Dịu khuyến cáo.
_Công an nhân dân Online_