Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

SẸO LỒI: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

Sẹo được hình thành sau khi da lành tổn thương. Tùy cơ địa từng người mà sẹo định hình ở nhiều dạng khác nhau: Sẹo phẳng, sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo phì đại. Riêng sẹo lồi nổi gồ ghề trên bề mặt da, do cơ thể sản xuất collagen quá mức trong quá trình lành vết thương, khiến các mô bị thừa, lồi lên trên da. Sẹo lồi gây đau, ngứa. Bài viết dưới đây giải thích về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa sẹo lồi để người bệnh hiểu hơn về cơ chế gây bệnh.

1. Sẹo lồi là gì?

Sẹo lồi là loại sẹo nổi gồ ghề trên bề mặt da do tăng sinh mô sợi quá nhiều so với vết thương và gây sẹo.

Bệnh nhân bị sẹo lồi sau xỏ khuyên tai.

2. Nguyên nhân và cơ chế hình thành của sẹo lồi:

- Sự phát triển của sẹo lồi có thể được kích hoạt bởi bất kỳ loại tổn thương da nào: Vết côn trùng cắn, mụn trứng cá, vết tiêm, xỏ khuyên trên cơ thể, bỏng, tẩy lông và thậm chí cả những vết trầy xước và va đập nhỏ. Đôi khi sẹo lồi hình thành không có lý do rõ ràng.

- Cơ chế hình thành: Khi da bị thương, mô sợi hình thành để hồi phục vết thương. Thế nhưng, ở một số người, các mô sợi này tăng sinh quá mức tạo thành khối cứng, căng bóng gọi là sẹo lồi. Sẹo lồi có thể gặp ở mọi lứa tuổi, xuất hiện mọi vị trí trên cơ thể nhưng thường xảy ra ở những vùng cơ thể như: Vai, dái tai, ngực, má…

3. Triệu chứng của sẹo lồi như thế nào?

Bệnh nhân bị sẹo lồi vùng ngực.

- Sẹo dày, không đều, thường ở dái tai, vai, má hoặc giữa ngực.

- Da sáng bóng, không có lông, sần sùi, nổi lên.

- Kích thước đa dạng, tùy theo kích thước vết thương ban đầu và thời điểm sẹo lồi ngừng phát triển.

- Sẹo lồi trên dái tai thường tròn và chắc, trên các bộ phận khác của cơ thể sẽ có bề mặt phẳng hơn. Tuy nhiên, trên một số bộ phận của cơ thể như: Cổ, bụng, tai, má sẹo lồi hơi di chuyển khi chạm vào.

- Sẹo lồi vượt ra ngoài ranh giới của vết thương ban đầu, xâm lấn sang vùng da bình thường lân cận. Dù sẹo lồi không gây hại cho sức khỏe, nhưng khiến người bệnh không tự tin, đặc biệt ở vùng cánh tay, chân, mặt.

- Kết cấu đa dạng mềm, cứng, hoặc dẻo.

- Bệnh nhân ngứa, đau, khó chịu.

4. Chẩn đoán sẹo lồi có khó không?

- Có thể chẩn đoán sẹo lồi dễ dàng bằng nhìn, sờ vết sẹo. Khi sẹo lồi quá phát, bác sĩ sẽ thực hiện sinh thiết da để loại trừ ung thư da.

- Sinh thiết da là một thủ thuật tiểu phẫu, bác sĩ da liễu gây tê và mổ cắt tổn thương da rồi gửi đến khoa giải phẫu bệnh để xác định tổn thương là ung thư da hay sẹo lồi. Nếu người bệnh bị sẹo lồi, bác sĩ da liễu sẽ có kế hoạch điều trị phù hợp với tình trạng da của bệnh nhân.

- Phân biệt sẹo lồi và sẹo phì đại: Sẹo lồi khác với sẹo phì đại. Vết sẹo phì đại nằm trong giới hạn của vết thương ban đầu và có thể mờ dần theo thời gian mà không cần điều trị.

5. Sẹo lồi có chữa được không?

- Sẹo lồi là khối u lành tính (không phải ung thư), tuy nhiên sẹo lồi khó chữa dứt điểm, thường phát triển trở lại ngay cả sau khi được phẫu thuật cắt bỏ.

- Có rất nhiều phương pháp điều trị sẹo lồi, người bệnh cần đến khám bác sỹ chuyên khoa da liễu để được lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

6. Sẹo lồi có gây hại không?

- Sẹo lồi không gây hại cho sức khỏe thể chất của bệnh nhân nhưng có thể gây ảnh hưởng nhiều đến thẩm mĩ và khó chịu về mặt tinh thần. Phòng ngừa hoặc điều trị sớm là chìa khóa giúp người bệnh đạt hiệu quả điều trị cao nhất. Người bệnh cần hiểu rằng, ngay cả khi được điều trị, sẹo lồi vẫn có thể tồn tại trong nhiều năm hoặc tái phát.

- Sẹo lồi không truyền nhiễm hoặc gây ung thư.

- Sẹo lồi nằm trên khớp có thể phát triển các mô cứng, căng làm hạn chế cử động.

7. Các yếu tố nguy cơ: Các yếu tố nguy cơ gây sẹo lồi bao gồm:

- Người có làn da nâu hoặc đen: Sẹo lồi phổ biến ở những người có làn da nâu hoặc đen.

- Có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị sẹo lồi: Sẹo lồi có thể di truyền trong gia đình, cho thấy bố mẹ bị sẹo lồi con cái có thể bị. Nếu người bệnh đã có một vết sẹo lồi, sẽ có nguy cơ phát triển những vết sẹo khác.

- Dưới 30 tuổi: Sẹo lồi có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên lứa tuổi 10-30 là giai đoạn dễ hình thành sẹo lồi do collagen hoạt động mạnh hơn.

- Mang thai: Sự thay đổi nội tiết tố xảy ra trong thai kỳ làm tăng nguy cơ hình thành sẹo lồi.

8. Cách phòng ngừa sẹo lồi: người bệnh có cơ địa dễ bị sẹo lồi, hãy thực hiện các cách tự chăm sóc phòng ngừa sau:

- Thực hành chăm sóc vết thương tốt: Dùng thuốc trị sẹo sớm, giữ vết thương sạch và ẩm, tránh trà sát. Thoa một lớp mỏng gel trị sẹo, bôi lại suốt cả ngày khi cần thiết. Nên đặt một miếng đệm áp lực hoặc một miếng gel silicone lên vết thương khi vết thương đang lành. Người lớn cần thực hiện các bước phòng ngừa này trong sáu tháng sau khi bị tổn thương da và trẻ em đến 18 tháng. Đeo khuyên tai áp lực lên dái tai sau khi xỏ lỗ tai giúp ngăn ngừa sẹo lồi.

- Bảo vệ làn da khỏi bị thương: Người bệnh cố gắng tránh làm tổn thương làn da của mình. Cân nhắc việc không xỏ khuyên, xăm mình và phẫu thuật tự chọn. Ngay cả những vết thương nhỏ, chẳng hạn như lông mọc ngược, vết cắt và vết trầy xước, cũng có thể kích thích sẹo lồi phát triển. Nếu người bệnh cần phải phẫu thuật, hãy nói chuyện với bác sĩ về tiền sử phát triển sẹo lồi. Bác sĩ có thể sử dụng các kỹ thuật phẫu thuật để giảm nguy cơ phát triển sẹo lồi tại vị trí phẫu thuật. Sau phẫu thuật, hãy hỏi bác sĩ về cách chăm sóc hậu phẫu và làm theo hướng dẫn cẩn thận.

_Khoa Da liễu và Miễn dịch dị ứng_