Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

PHẪU THUẬT THÀNH CÔNG BỆNH NHÂN CÓ VẾT THƯƠNG PHỨC TẠP VÙNG CỔ DO CHÓ CẮN

Ngày 09 tháng 10 năm 2021, khoa Ngoại tổng hợp bệnh viện 19-8 tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân có vết thương phức tạp vùng cổ do chó cắn.

BN Nguyễn Khánh H. Sinh năm 1982 – 39 tuổi, nữ. Mã hồ sơ 2110090249. Vào viện vì vết thương chảy nhiều máu vùng cổ do bị chó cắn giờ thứ 02. Theo bệnh nhân kể, khoảng 18h ngày 09 tháng 10 năm 2021 khi đang dọn chuồng chó, bị chó cắn vào vùng cổ - gáy gây chảy nhiều máu, được người nhà đưa vào BVĐK Hoài Đức sơ cứu băng ép cầm máu, chuyển bệnh viện 19-8 điều trị tiếp. Khám lúc vào: BN tỉnh, tiếp xúc tốt. Kiểm tra sơ bộ: Vết thương vùng cổ trước dài khoảng 10cm, bờ nham nhở còn rỉ máu, bên cạnh có nhiều vết thương nhỏ gây sưng to – phù nề diện rộng. Mạch 100 lần/phút, huyết áp 110/60 mmHg. SpO2 99%.

Sau khi được tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván (SAT) và làm các xét nghiệm cấp cứu, rất nhanh chóng bệnh nhân được chuyển thẳng lên phòng mổ để xử trí vết thương. Theo ThS. BS. Nguyễn Thành Luân cho biết: “ Vết thương rất sâu gây đứt một phần cơ ức – đòn – chum (trái), lộ động mạch – tĩnh mạch cảnh ngoài, sâu đến cột sống cổ C3- C4 gây mẻ một phần xương, phải rất khó khăn mới khâu cầm máu được”. Hội chẩn trong mổ với chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình và Ngoại thần kinh, thống nhất cầm máu vết thương, đeo nẹp cổ cố định

Vết thương vùng cổ trước

Vết thương vùng cổ sau

Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân hoàn toàn ổn định, không sốt, vết mổ khô, dẫn lưu ra ít dịch hồng. Bệnh nhân được khám chuyên khoa truyền nhiễm, được tư vấn tới cơ sở y học dự phòng gần nhất để tiêm huyết thanh kháng dại.

Khi bị động vật cắn, việc cần làm đầu tiên là bình tĩnh kêu người hỗ trợ hoặc tự mình thoát ra khỏi nơi nguy hiểm. Xử trí vết thương: rửa ngay vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước, bôi chất sát trùng như cồn 70 độ, cồn iod để làm giảm lượng virus tại vết cắn (do sức đề kháng của virus dại yếu, bị mất độc lực dưới ánh sáng và các chất sát khuẩn ở nồng độ chỉ từ 2 – 5%). Nếu vết thương ở sâu gây chảy máu nhiều, có khi thành tia, cần phải băng ép chặt cầm máu và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. Động vật cắn phải được nuôi nhốt và theo dõi sát các dấu hiệu nguy hiểm như bỏ ăn, chảy nhớt dãi…

Với các hộ nuôi chó, cần tiêm vaccine phòng dại cho cả người và chó. Cần để mắt tời trẻ em khi ở gần chó – mèo. Người bị chó cắn phải thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý vết thương, khám và điều trị dự phòng, tuyệt đối không điều trị bằng thuốc nam.

_BS. Thành - khoa Ngoại tổng hợp_