Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

PHẪU THUẬT THÀNH CÔNG BỆNH NHÂN BỊ VẾT THƯƠNG THẤU BỤNG

Ngày 24 tháng 10 năm 2021, khoa Ngoại tổng hợp (B3) bệnh viện 19-8 Bộ Công an tiến hành phẫu thuật cấp cứu thành công cho bệnh nhân bị vết thương thấu bụng do tự đâm bằng dao nhọn.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Đ, sinh năm 2000, 21 tuổi, mã hồ sơ 2110230186. Theo bệnh nhân kể, khoảng 18h ngày 24/10/2021, mâu thuẫn với người nhà, tự lấy dao nhọn đâm vào bụng, thấy ruột chui ra ngoài ổ bụng qua vết đâm. Người nhà sơ cứu bằng cách băng ép vào vết thương bằng vải sạch, chuyển đến bệnh viện 19-8 bằng ô tô.

Bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp, mở bụng đường trắng giữa trên rốn, vào bụng quan sát thấy nhiều máu tươi và máu cục, mạc nối lớn rách nhiều điểm đang chảy máu, dạ dày – tá tràng - ruột non – đại tràng và các tạng khác không thấy tổn thương. Tiến hành khâu cầm máu mạc treo ruột, kiểm tra kỹ toàn ổ bụng thấy không còn chảy máu. Thời gian từ lúc vào khoa cấp cứu đến khi lên bàn mổ chưa đầy 15 phút.

Theo dõi hậu phẫu 05 ngày, bệnh nhân không sốt, da – niêm mạc hồng, huyết động ổn định, dẫn lưu ra dịch hồng số lượng ít dần.

Hiện tại bệnh nhân hoàn toàn ổn định, đã ra viện và hẹn tái khám theo hẹn.

Hình vết thương thấu bụng

Chấn thương bụng và vết thương bụng là cấp cứu ngoại khoa thường gặp, chiếm 10 13% tổng số mổ cấp cứu do chấn thương và vết thương nói chung. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào các biểu hiện lâm sàng như tính chất của vết thương (gọn, sạch do vật sắc nhọn, bẩn – phức tạp nếu do hỏa khí…), thăm khám toàn trạng (sốc mất máu, nhiễm trùng), thăm khám thực thể bụng ngoại khoa và các thăm dò cận lâm sàng như siêu âm ổ bụng, X_quang bụng không chuẩn bị, cắt lớp vi tính ổ bụng, tổng phân tích máu, sinh hóa máu…

Các bác sỹ khuyến cáo người dân: khi sơ cứu vết thương thấu bụng , cần thực hiện các bước sau: đưa bệnh nhân đến nơi an toàn, nới lỏng thắt lưng – quần áo, nằm nghiêng nếu bệnh nhân có nôn, thực hiện khai thông đường thở và hô hấp nhân tạo + ép tim ngoài lồng ngực nếu có ngừng tuần hoàn. Nếu thấy có lòi tạng và mạc nối lớn ra khỏi thành bụng tuyệt đối không cố gắng đẩy vào trong mà cần dùng bát sạch, chậu nhỏ sạch… úp lên trên và giữ kín để chuyển tới bệnh viện. Các dị vật, vũ khí đâm xuyên không được rút ra mà phải để nguyên. Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống. Cần nghĩ đến có chấn thương bụng kín nếu có nguyên nhân sang chấn, va đập vào thành bụng, vết xây sát – bầm tím thành bụng, bệnh nhân đau bụng – chướng bụng…

Bệnh viện 19-8 Bộ Công an với hơn 60 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, đội ngũ bác sỹ được đào tạo bài bản, trang thiết bị hiện đại; sẵn sàng nhận và điều trị các ca bệnh nặng, cấp cứu khẩn cấp cho các đối tượng Công an, bảo hiểm y tế và nhân dân khu vực đóng quân.

_BS. Thành – Khoa Ngoại tổng hợp_