Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
Khi cần hạ sốt trong bệnh sốt xuất huyết, đa số bệnh nhân được điều trị tại nhà bằng các thuốc hạ sốt thông thường, không cần chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, việc dùng thuốc hạ sốt trong bệnh sốt xuất huyết cần phải có một số lưu ý và nên theo hướng dẫn hoặc chỉ định của bác sĩ để tránh những tình huống bất lợi khi điều trị.
1. Sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh đặc trưng bởi tình trạng sốt do nhiễm vi-rút Dengue từ muỗi vằn truyền sang. Triệu chứng của bệnh thường xuất hiện sau 4 - 7 ngày sau khi bị muỗi nhiễm vi-rút cắn và kéo dài từ 5 - 7 ngày.
Các triệu chứng bệnh sốt xuất huyết là khác nhau ở mỗi người; có người mắc chỉ bị nhẹ nhưng cũng có người bệnh nghiêm trọng. Triệu chứng thường gặp nhất bao gồm sốt, đau đầu, đau sau hốc mắt, đau nhức cơ khớp, nổi mẩn đỏ ... Bệnh nặng hơn có thể khiến người bệnh bị đau bụng dữ dội, nôn ra máu, chảy máu mũi hoặc co giật... nguy hiểm đến tính mạng.
Do vậy khi gặp phải các triệu chứng trên, người bệnh cần phải đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
2. Điều trị bệnh sốt xuất huyết như thế nào?
Không có một loại thuốc hay phương pháp điều trị nào là đặc hiệu, dành riêng cho bệnh sốt xuất huyết; các bác sĩ sẽ giúp điều trị các triệu chứng của bệnh (sốt, nhức đầu, đau nhức cơ khớp ...) và nâng đỡ tình trạng người bệnh cho đến khi hồi phục. Chỉ những người bệnh nặng mới cần phải điều trị tại viện, còn phần lớn những người bệnh nhẹ hơn, khỏe hơn có thể được nghỉ ngơi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan và phải đến khám hoặc tái khám với bác sĩ theo yêu cầu để phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng của bệnh nếu có.
3. Thuốc hạ sốt nào nên dùng và không dùng trong bệnh sốt xuất huyết?
- Chỉ dùng paracetamol: Paracetamol độc với gan, thận nhưng tính độc này chỉ xảy ra khi dùng liều rất cao (15g/ngày với người lớn) và hoặc/ lâu dài hay khi dùng cùng với nhiều rượu (rượu làm cạn kiệt nguồn glutathion để chuyển hóa paracetamol thành chất không độc). Còn khi dùng với liều điều trị (thấp hơn nhiều so với liều trên) trong thời gian ngắn (2-5 ngày để hạ sốt) thì paracetamol không gây độc cho cả người lớn lẫn trẻ em. Liều dùng trong điều trị SXH: Một lần: 15mg/kg thể trọng (750mg cho người 50kg). Một ngày: 2-3 lần (1.500mg-2.250mg).
- Không được dùng aspirin: Trong SXH có hiện tượng chảy máu. Aspirin ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên làm cho việc chảy máu do SXH gây ra không cầm được (nhất là xuất huyết đường tiêu hóa). Kết quả làm cho bệnh trầm trọng thêm. Do vậy, trong SXH, không được dùng aspirin cho cả người lớn và trẻ em. Riêng với trẻ em càng đặc biệt chú ý việc cấm này vì: aspirin là yếu tố thúc đẩy gây hội chứng Reye (phù não và suy gan nhiễm mỡ với tỷ lệ tử vong khoảng 30-50%, nếu sống sót cũng để lại di chứng tổn thương não vĩnh viễn). Aspirin làm tăng độ acid (vốn thấp ở dạ dày trẻ), gây bỏng rát viêm đường tiêu hóa, nặng hơn gây xuất huyết đường tiêu hóa.
- Không dùng kháng viêm không steroid: Tuy không làm ngưng tập kết tiểu cầu mạnh như aspirin nhưng các kháng viêm không steroid đều có tính này (với các mức khác nhau) nên cũng làm cho việc chảy máu trong SXH không cầm được. Do vậy không dùng chúng trong SXH. Trên thị trường có các loại thuốc cấm (bán không cần đơn) trong thành phần thường có chứa kháng viêm không steroid. Ví dụ biệt dược: alaxan chứa kháng viêm không steroid (ibuprofen). Tránh dùng nhầm các loại biệt dược loại này.
_Ths. Ds Lê Thu Giang - khoa Dược_