Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
Hệ thống y tế CAND đã có bước chuyển biến mạnh mẽ trong những năm gần đây, triển khai được nhiều kỹ thuật tiên tiến, cứu sống tính mạng người bệnh bên bờ sinh - tử. Từ kỹ thuật ghép tạng, đến can thiệp ECMO cứu sống người bệnh ngừng tim..., các bệnh viện trong hệ thống y tế CAND đã triển khai nhiều kỹ thuật mới trong hồi sức cấp cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào nội soi tiêu hóa, mang đến nhiều cơ hội sống cho người bệnh, nâng cao uy tín, vị thế của các bệnh viện CAND.
Cứu nhiều quả thận sắp phải cắt bỏ
Sau nửa tháng điều trị tại Khoa Ngoại tiết niệu - Bệnh viện 19-8, anh Hoàng Chí T. (59 tuổi, Thái Bình) đã khỏi bệnh và vô cùng cảm kích các bác sĩ đã cứu được quả thận của anh khỏi việc phải cắt bỏ. Anh T. có tiền sử mổ mở sỏi thận trái cách đây 22 năm và bị tăng huyết áp. Trước khi vào viện 2 tháng, anh đã mổ mở lấy sỏi thận phải, sau đó bị nhiễm trùng vết mổ, điều trị tại tuyến dưới 1 tháng. Nhưng, do vết thương ngày càng nặng, anh được chuyển lên Bệnh viện 19-8.
Theo ThS.BSCKII Mai Tiến Dũng, Phó trưởng Khoa Ngoại tiết niệu, đây là trường hợp sỏi thận san hô, bị nhiễm trực khuẩn mủ xanh đa kháng, bệnh rất khó và hiếm gặp, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng nói là rất khó khăn.
Bác sĩ Mai Tiến Dũng nội soi tán sỏi ống mềm cho bệnh nhân.
Có những trường hợp rất đặc biệt, nhập viện trong tình trạng chỉ còn 1 quả thận duy nhất đã “bị bệnh”, các bác sĩ Khoa Ngoại tiết niệu quyết tâm điều trị khỏi cho bệnh nhân, không phải ghép thận. Đó là trường hợp anh N.V.B (57 tuổi, Thanh Hóa) bị sỏi thận đơn độc nhập viện trong tình trạng suy thận. Cách đây 5 năm, anh B đã phải cắt thận phải do bị sỏi, chỉ còn thận trái nhưng cũng bị sỏi nhiều năm. Do sợ mổ mở nên anh đã để bệnh kéo dài dẫn đến suy thận. Khi đến Bệnh viện 19-8, nam bệnh nhân được các bác sĩ nội soi tán sỏi qua da, với đường mổ rất nhỏ 0,6cm đã cứu được quả thận duy nhất còn lại, hết sỏi và hết suy thận.
Theo BS Mai Tiến Dũng, bệnh thận - tiết niệu ngày một gia tăng và trẻ hóa, trung bình mỗi ngày Bệnh viện 19-8 có khoảng 40-50 bệnh nhân đến thăm khám và 30-60 ca điều trị nội trú. Qua 10 năm phát triển, khoa đã có 17 y, bác sĩ được cử đi học tập, đào tạo ở cả trong và ngoài nước, hoàn toàn có thể đáp ứng được các loại hình phẫu thuật tiết niệu và nam khoa. Hiện nay, khoa đã làm chủ các kỹ thuật tiên tiến ngang với bệnh viện các nước trong khu vực như: Phẫu thuật nội soi lấy sỏi; nội soi tán sỏi ngược dòng; nội soi tán sỏi thận qua da; nội soi tán sỏi thận ống mềm; tán sỏi ngoài cơ thể; thắt tĩnh mạch vi phẫu trong điều trị vô sinh; nút mạch tiền liệt tuyến... tạo được niềm tin, hài lòng của người bệnh, thu hút ngày càng đông bệnh nhân”, BS Dũng cho biết.
“Do làm chủ tất cả các phương pháp tiên tiến và có đầy đủ trang, thiết bị hiện đại, nên tỷ lệ bệnh nhân phải mổ mở ở Bệnh viện 19-8 rất thấp. Khoa Ngoại tiết niệu đã hoàn toàn tự chủ được các kỹ thuật phẫu thuật nội soi như: Ghép thận; cắt toàn bộ bàng quang; cắt u tuyến thượng thận; cắt u, bóc nhân, bốc hơi tuyến tiền liệt bằng laser... Kể từ ca ghép thận đầu tiên vào năm 2009, đến nay, Bệnh viện 19-8 đã thực hiện 30 ca ghép thận và cả 30 bệnh nhân đều sống khỏe mạnh sau ghép”, BS Dũng cho hay.
“Các bác sĩ đã tái sinh tôi lần thứ hai”
Được sống lại và trở về gặp các con, chị Ngô Thị Thu Huyền (35 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) bật khóc và chia sẻ với chúng tôi: “Tôi không nghĩ mình còn sống, được sống như bây giờ là một điều kỳ diệu. Xin trân trọng cảm ơn các bác sĩ Bệnh viện 19-8 đã tái sinh ra tôi lần hai”. Vốn là người hoàn toàn khỏe mạnh, trước khi vào viện 3 ngày, chị Huyền thấy mệt, đau ngực, khó thở và sau đó bệnh nặng hơn, được người nhà đưa xuống Bệnh viện 19-8 thăm khám. Chị được chẩn đoán sốc tim do viêm cơ tim, chuyển ngay vào Khoa Điều trị tích cực và Chống độc.
Dù cấp cứu ngừng tim thành công và tiếp tục điều trị hồi sức tích cực, nhưng tính mạng bệnh nhân vẫn rất nguy kịch. Lãnh đạo khoa đã xin ý kiến Ban Giám đốc, hội chẩn xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai và nhanh chóng triển khai các kỹ thuật hồi sức cấp cứu hiện đại nhất là lọc máu, ECMO.
Đại tá, PGS.TS.BS Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8 chia sẻ: “Áp dụng ECMO là quyết định rất quan trọng, phải triển khai ngay bởi bệnh nhân bị viêm cơ tim, suy tim nặng, sốc tim đã ngừng tim..., tiên lượng của người bệnh rất khó khăn, nếu não cũng “chết” thì cho dù có cứu được tính mạng, người bệnh cũng phải đối mặt với cuộc sống thực vật sau này. Vì vậy, trong giây phút sinh - tử đó, biện pháp can thiệp ECMO phải được thực hiện ngay lập tức, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời”.
Do bẩm sinh mạch của người bệnh rất nhỏ, chỉ bằng khoảng 1/2 người bình thường, chia nhánh cũng bất thường, khi triển khai ECMO rất khó khăn, đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải là người có chuyên môn cao, dày dạn kinh nghiệm. “Khoảng vài tiếng sau khi đặt ECMO, tôi xuống phòng bệnh và không thể quên hình ảnh trong giây phút “cửa tử” đó, người chồng đứng ngoài vẫy tay về phía giường bệnh động viên vợ “yên tâm nhé, em ơi”. Người vợ lúc này đã tỉnh, có phản xạ với người chồng. Bệnh nhân còn trẻ, con còn nhỏ, cháu bé nhất mới 2 tuổi. Chứng kiến giây phút đó, tôi nói với đồng chí Bùi Nam Phong, Trưởng Khoa Điều trị tích cực và Chống độc: “Các anh cố cứu sống trường hợp này bằng xây 700 tòa tháp chứ không phải cứu một người bằng xây 7 tòa tháp nữa”, Đại tá Hoàng Thanh Tuyền xúc động kể lại.
“Tuần đầu sau đặt ECMO là thời điểm căng thẳng nhất, bệnh nhân loạn nhịp liên tục, luôn trong nguy cơ có thể ngừng tim bất cứ lúc nào. Đây là thời điểm chúng tôi luôn phải “cân não” để điều chỉnh ECMO, các biện pháp điều trị và thuốc trợ tim, vận mạch cho hợp lý”, BS Phong nói.
Sau 9 ngày lọc máu và ECMO, bệnh nhân được bỏ thở máy, rút nội khí quản, dừng lọc máu, cai ECMO thành công. Gần 1 tháng tiếp tục điều trị hồi sức nội khoa tích cực, bệnh nhân hồi phục và được xuất viện trở về nhà. “Đây là ca ngừng tim nặng nhất lần đầu tiên bệnh viện triển khai kỹ thuật ECMO thành công, người bệnh được cứu sống là một kỳ tích. Bệnh nhân đã hồi phục tim, hồi phục não, không có di chứng. Hạnh phúc nhất của những người thầy thuốc là cứu sống được người bệnh”, Giám đốc Bệnh viện 19-8 chia sẻ.
ThS.BS Bùi Nam Phong cho biết, đây không phải trường hợp đầu tiên Bệnh viện 19-8 triển khai kỹ thuật cao nhất là ECMO. Trước đó, bệnh viện đã triển khai kỹ thuật này để điều trị cho bệnh nhân bị sốc do sốt xuất huyết, viêm phổi nặng. Nhưng, đây là ca bệnh đầu tiên thành công, bệnh nhân xuất viện và trở về cuộc sống bình thường.
Các bệnh viện CAND không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Ứng dụng nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu
Theo đánh giá của Cục Y tế (Bộ Công an), các bệnh viện trong hệ thống CAND đã không ngừng lớn mạnh và phát triển, ứng dụng, triển khai các kỹ thuật tiên tiến vào khám, chữa bệnh. Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an đã ứng dụng nhiều phương pháp điều trị y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại vào chăm sóc sức khỏe cho CBCS và nhân dân, mang lại hiệu quả cao. Các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị lâm sàng cứu sống người bệnh nặng đã trở thành thường quy ở Bệnh viện 19-8 như: Các bệnh lý sốc (sốc nhiễm khuẩn, sốc tim, sốc phản vệ, sốc đa chấn thương), viêm phổi nặng thở máy, hen phế quản, suy tim, đột quỵ nặng hôn mê, chấn thương sọ não, chấn thương nặng hôn mê,...; thực hiện hàng trăm ca lọc máu và kỹ thuật lọc máu hằng năm và rất nhiều các kỹ thuật hồi sức cấp cứu hiện đại như lọc máu, hạ thân nhiệt chỉ huy, đo ICP, PICCO...
Còn Bệnh viện 199 đã triển khai thành công phẫu thuật thay khớp vai toàn phần và đảo ngược. Đặc biệt, Bệnh viện 30-4 đã thực hiện và làm chủ được nhiều kỹ thuật tim mạch khó với ứng dụng kỹ thuật cao, đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao và dày dạn kinh nghiệm. Điển hình như can thiệp các sang thương mạch vành khó, can thiệp mạch vành cấp cứu, siêu âm trong lòng mạch vành, đặt máy tạo nhịp tim tạm thời cấp cứu... đã cứu sống được nhiều tính mạng người bệnh.
Những kỹ thuật tiên tiến không chỉ thực hiện thường quy tại Bệnh viện 19-8, Bệnh viện 30-4 mà còn hỗ trợ tuyến dưới qua công tác chỉ đạo tuyến, trên cơ sở phát triển toàn diện hệ thống y tế CAND. Đến nay, Bệnh viện 19-8 đã hỗ trợ Bệnh viện 199 và Bệnh viện Công an tỉnh Tuyên Quang kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể; nội soi mật tụy ngược dòng... Các hoạt động chỉ đạo tuyến và luân phiên cán bộ cũng được triển khai hiệu quả tới tất cả các bệnh viện, bệnh xá công an tỉnh.
Trong thời gian tới, y tế CAND tiếp tục ưu tiên phát triển các lĩnh vực chuyên sâu theo mô hình bệnh tật của CBCS và yêu cầu nhiệm vụ công tác công an; đảm bảo tốt công tác quản lý sức khỏe cán bộ cao cấp và CBCS; tập trung thực hiện hiệu quả đề án mạng lưới y tế CAND đến năm 2030. Đặc biệt, triển khai nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu vào chuyên ngành thận - tiết nậu, hô hấp, ngoại khoa, kỹ thuật tạo hiệu tiết niệu qua nội soi có hỗ trợ robot... nhằm nâng cao chất lượng điều trị, đổi mới phục vụ người bệnh ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.
_Công an nhân dân Online_