Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
Bị dập gần hết gan phải, chảy máu ổ bụng do tai nạn giao thông, nam thanh niên 19 tuổi đã được cứu sống nhờ can thiệp nút mạch gan.
Khoa Cấp cứu Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) vừa tiếp nhận bệnh nhân N.D.N (19 tuổi) chấn thương bụng kín do tai nạn giao thông. Qua thăm khám thấy bệnh nhân trong tình trạng kích thích, huyết áp tụt (100/60 mmHg), các bác sĩ đã cho chỉ định chụp CT ổ bụng cấp cứu. Đồng thời mời hội chẩn liên chuyên khoa gồm các bác sĩ can thiệp mạch thuộc Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân và các bác sĩ thuộc khoa ngoại tổng hợp.
Kết quả chụp CT ổ bụng thấy bệnh nhân bị vỡ gan độ IV với diện tích đụng dập gan phải khoảng 75% thùy gan phải và rách bao gan, nhiều dịch máu ổ bụng.
BS. Phạm Thị Quỳnh Anh thông tin về ca can thiệp mạch cứu bệnh nhân vỡ gần hết gan phải.
BSCKI Phạm Thị Quỳnh Anh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân thuộc ê-kíp phẫu thuật can thiệp mạch cho bệnh nhân N. chia sẻ: "Đây là trường hợp bệnh nhân nặng, vỡ gan diện rộng ở mức độ nặng (4/5) có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu. Nếu phẫu thuật thì khả năng nhiều phải cắt hoàn toàn gan phải để cầm máu. Do vậy các bác sĩ đã lựa chọn can thiệp mạch để cầm máu cho bệnh nhân. Bên cạnh đó đây là bệnh nhân trẻ tuổi, nếu phải trải qua đại phẫu thuật khả năng phục hồi sau mổ sẽ giảm".
Sau khi hội chẩn các chuyên khoa, các bác sĩ đã lựa chọn can thiệp mạch dưới. Đây là lựa chọn tối ưu đối với bệnh nhân vừa bảo tồn được nhu mô gan lành vừa cấp cứu kịp thời để bệnh nhân không bị tử vong do sốc mất máu. Ê-kíp đã tiến hành luồn vi ống thông từ động mạch đùi bên phải lên tiếp cận động mạch thân tạng vào động mạch gan phải, chọn lọc các nhánh động mạch có các ổ thoát thuốc và giả phình, tiến hành nút tắc các nhánh này bằng keo sinh học Histoacry.
Một số hình ảnh sau can thiệp dưới hướng dẫn của máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA với các điểm chảy máu hoạt động và sau khi nút tắc (mũi tên).
Trong vòng chưa đầy 30 phút sau khi đến viện, bệnh nhân đã được đưa vào phòng can thiệp mạch DSA và nhanh chóng được tiến hành can thiệp nút tắc những điểm chảy máu cho bệnh nhân. Điều này tránh cho bệnh nhân một cuộc phẫu thuật lớn với nhiều nguy cơ và mang lại khả năng hồi phục nhanh với can thiệp xâm lấn tối thiểu và hiệu quả cao. Sau can thiệp mạch, tình trạng bệnh nhân ổn định, huyết áp nâng lên 130/80 mmHg, các chỉ số sinh tồn tốt.
Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực tại khoa Ngoại tổng hợp, các chỉ số sinh tồn (mạch, huyết áp…) và các xét nghiệm sinh hóa đều ổn, không đáng lo ngại.
Sau khi can thiệp mạch các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân ổn định và đang được theo dõi tại khoa Ngoại tổng hợp.
ThS.BS Nguyễn Thành Luân - Khoa Ngoại tổng hợp cho biết: "Bệnh nhân sẽ được điều trị bảo tồn và theo dõi sát sao tình trạng sau khi nút mạch, bởi với các trường hợp vỡ gan sau khi phẫu thuật có thể có khả năng xảy ra vỡ gan thì 2. Đây là tình huống cực kỳ nguy hiểm và cần phải phẫu thuật để xử lý. Trong khoảng từ 7-10 ngày, bệnh nhân sẽ được đánh giá và nếu ổn định hoàn toàn sẽ được ra viện".
Can thiệp mạch DSA là một kỹ thuật cao chuyên sâu, ít xâm lấn đem lại hiệu quả điều trị cao đã được triển khai ở Bệnh viện 19-8 trong nhiều năm. Can thiệp mạch được tiến hành điều trị thành công nhiều ca bệnh khó, đem lại hiệu quả cao và ý nghĩa đối với người bệnh và gia đình họ, trong đó có:
- Can thiệp cầm máu mạch tạng cấp cứu trong các chấn thương bụng kín vỡ gan, vỡ lách, vỡ thận…
- Điều trị ung thư gan bằng phương pháp TACE, nút mạch u xơ tử cung và phì đại lành tính tiền liệt tuyến…
- Điều trị ho ra máu nặng do giãn động mạch phế quản.
- Can thiệp cầm máu trong các trường hợp ung thư cổ tử cung tái phát có chảy máu, vỡ khối ung thư gan, xuất huyết tiêu hóa không cầm máu được dưới hướng dẫn của nội soi…
_Sức khỏe và đời sống_