Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
Sáng thứ năm tuần trước, do có việc gấp phải sang tòa nhà bên cạnh, tôi sơ ý đánh rơi chiếc ví tại khu vực sân vườn quán cà phê. Vội về buồng bệnh để thử máu và tiêm thuốc theo y lệnh của bác sĩ, tôi không biết mình đã đánh rơi vật gì… Cả ngày hôm đó, được nhân viên y tế và người nhà chăm sóc chu đáo, mang đồ ăn, thức uống phục vụ tận giường, tôi không biết mình mất ví. Đến 4 giờ chiều, khi tôi đang ở buồng bệnh thì có điện thoại từ một máy lại gọi tới… Đầu kia, là giọng một thanh niên nhỏ nhẹ: “Chú… à… anh ơi, anh có mất ví không ạ?”. Tôi sững người, một vật quan trọng với mình bị mất từ sáng không hay biết. Tôi vội vàng xuống sân. Khi xác định đúng chủ nhân tài sản mình nhặt được, thanh niên này nhanh nhẹn đưa lại ví cho tôi, nguyên vẹn, đủ giấy tờ và tiền, rồi vội vàng chia tay, như bị ai truy đuổi, chẳng cần nghe tôi nói một lời cảm ơn (sau này, tôi mới biết cậu ấy phải vội về chăm bố bị đột quị đang nằm buồng bệnh). Tôi gọi với theo để hỏi tên, mời vào căng tin uống nước, cậu ta một mực từ chối. Thật may cho tôi, trong ví tuy không nhiều tiền, nhưng có nhiều giấy tờ tùy thân đặc biệt quan trọng. Tôi xúc động sững người, biết ơn, khi cảm thấy mình đã thực sự may mắn gặp được một người tử tế giữa đời thường. Nếu như bạn ấy không tìm tôi để trả lại ví, nếu như người nhặt được ví là một kẻ tham tiền… không biết sẽ gây phiền phức đến mức nào cho tôi.
Trở về buồn bệnh, lần theo số điện thoại, kết bạn zalo và câu chuyện qua lại, tôi mới hay biết: thanh niên ấy tên là Nguyễn Văn Vinh, sinh năm 1986, trú tại thị trấn Ninh Cường, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Hơn 2 tháng qua, anh có mặt tại Bệnh viện 19-8 là để chăm sóc bố mình: cụ Nguyễn Văn Vũ, 70 tuổi, bị đột quị, đang nằm điều trị tại khoa Y học cổ truyền. Trong khi bố mình bị đột quị, nằm viện dài ngày, bản thân không có công ăn việc làm, kinh tế gia đình hết sức khó khăn, nhưng bạn ấy đã không tham tiền, thật đáng trân quý nhường nào.
Sáng nay, sau khi trở lại cơ quan làm việc, gọi điện liên hệ được biết hai bố con cụ Vũ vẫn ở viện, tôi cùng một số đồng nghiệp quay trở lại Bệnh viện 19-8 thăm sức khỏe cụ Vũ và cũng để gặp lại ân nhân của mình. Cụ Nguyễn Văn vũ bị đột quị nằm tại buồng số 5, tầng 4, khoa Y học cổ truyền Bệnh viện 19-8. Đây là một tòa nhà cũ, nhưng mới được cải tạo lại nên khang trang và khá tiện nghi. Khi biết tôi đến thăm, chưa kịp nói câu gì, người bệnh nhân già đã đã tâm tư: “Việc nhỏ, ai cũng đều làm vậy, phiền hai cháu phải quay lại cảm ơn, dịch giã thế này. Cũng may cháu nó tìm trong ví có số điện thoại của anh”. Đúng là việc nhỏ, nhưng đối với tôi không hề nhỏ chút nào. Đối với Nguyễn Văn Vinh hành động của anh là sự tử tế, rất đáng trân trọng. Qua câu chuyện, hai bố con kể lại, tôi được biết khi ngã bệnh tình trạng của cụ Vũ rất nặng, không đi lại được, thần kinh mất kiểm soát, phải thuê xe đưa từ Nam Định ảnh lên cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Khi bệnh tình qua cơn nguy kịch xét thấy phải điều trị theo phương pháp đông y dài ngày, từ giới thiệu của bệnh viện Đại học Y, anh Vinh đưa bố chuyển về điều trị tại khoa Y học cổ truyền và khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện 19-8. Cả nước đang trong mùa dịch Covid-19, cũng như các cơ sở y tế khác dù đang phải gồng mình tham gia chống dịch, các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên y tế ở Bệnh viện 19-8, trực tiếp là khoa Y học cổ truyền, khoa Phục hồi chức năng đã dành sự quan tâm đặc biệt cho cụ Vũ. Gặp thầy, gặp thuốc, ơn trời, sức khỏe của cụ Vũ dần được hồi sinh. Lúc vào viện chỉ còn một phần, nay đã đã hồi lại được 8-9 phần, gần như bình phục. Trong câu chuyện với tôi, cụ Nguyễn Văn Vũ luôn bày tỏ sự hài lòng, trân trọng, cảm phục trình độ chuyên môn và y đức của đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên khoa Y học cổ truyền và khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện 19-8. Bác sĩ Hoàng Thị Thu Hương, Trưởng khoa Y học cổ truyền cho biết: “Cuối tuần này, hai bố con cụ Vũ có thể xuất viện về với gia đình”.
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng câu chuyện về một người tử tế: anh Nguyễn Văn Vinh, tôi may mắn gặp được nơi đây cũng như hình ảnh về những người bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế công tác nơi đây sẽ còn mãi trong tôi. Nghĩ về điều tử tế thì rất dễ, nhưng là để làm được điều tử tế trong đời không phải lúc nào cũng dễ dàng!
_Hoàng Trung_