Số 9, đường Trần Bình, phường Từ Liêm, TP Hà Nội
Nhằm tạo môi trường sinh hoạt khoa học chuyên nghiệp, giúp nâng cao kiến thức chuyên môn, cập nhật các tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị, đồng thời phát triển năng lực nghiên cứu khoa học và kỹ năng trình bày, tư duy phản biện cho đội ngũ bác sĩ, dược sĩ và nhân viên y tế, trưa ngày 22/7/2025, Câu lạc bộ Sinh hoạt khoa học Bệnh viện 19-8 đã phối hợp tổ chức trực tuyến buổi sinh hoạt định kỳ với chủ đề: “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh thận mạn”, do Khoa Nội Thận Khớp chủ trì thực hiện.
Tham gia buổi sinh hoạt có TS.BS Đỗ Thị Lệ Thuý - Phó Giám Đốc Bệnh viện 19-8 làm chủ tọa; các báo cáo viên gồm có PGS.TS Hà Phan Hải An - Phó Chủ tịch Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam, BsCKII Trịnh Hùng - PTK Nội Thận Khớp, BsCKII Lương Thị Tuyết - PTK Nội Thận Khớp trình bày nội dung chuyên đề. Ngoài ra, buổi sinh hoạt còn có sự tham dự của các cán bộ, nhân viên y tế trong khoa cùng đông đảo cán bộ, nhân viên y tế từ các khoa, phòng, trung tâm quan tâm tới chủ đề này.
Bệnh thận mạn có tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng tại Việt Nam và trên thế giới. Hiện nay, trên toàn cầu có khoảng 843.6 triệu người mắc bệnh thận mạn với số ca mắc mới mỗi năm khoảng 19 triệu người. Theo dự báo của Trung tâm nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBD) tới năm 2040, bệnh thận mạn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 5 và riêng đối với khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam thì đây là nhóm nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3. Bệnh thận mạn không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của cá nhân mà còn tạo gánh nặng chi phí chăm sóc y tế cho mỗi quốc gia.
Các nguyên nhân thường gặp dẫn đến bệnh thận mạn là Đái tháo đường, Tăng huyết áp, bệnh cầu thận và ống kẽ thận, sỏi thận, sử dụng các thuốc độc với thận... Ngoài ra, còn có những yếu tố nguy cơ khác như: béo phì, hút thuốc, tuổi già, trẻ sinh non thiếu tháng, tiền sử gia đình có người mắc bệnh thận mạn…
Việc tầm soát để chẩn đoán sớm bệnh thận mạn giúp người bệnh nâng cao ý thức tuân thủ điều trị; giúp nhân viên y tế lập kế hoạch tư vấn, chăm sóc, sử dụng thuốc điều trị phù hợp với từng giai đoạn tiến triển của bệnh. Từ đó giúp kiểm soát sự tiến triển của bệnh, hạn chế số lượng bệnh nhân tiến triển đến bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải điều trị thay thế thận (ghép thận, chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng). Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu bệnh thận mạn được phát hiện ở giai đoạn 1-2 và người bệnh tuân thủ điều trị tốt có thể kéo dài thời gian tiến tiển đến bệnh thận mạn giai đoạn cuối tới 26.6 năm.
Tại buổi sinh hoạt, PGS.TS Hà Phan Hải An đã trình bày nội dung “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh thận mạn” với trọng tâm là những khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị mới nhất của Bộ Y tế, KDIGO 2024 (Hội Thận học Hoa Kỳ) và ERA 2025 (Hội Thận học Châu Âu). Qua bài báo cáo này, các bác sĩ được cập nhật những guideline mới nhất trong chẩn đoán và điều trị bệnh thận mạn để áp dụng trong việc cá thể hoá điều trị.
BsCKII Trịnh Hùng với bài báo cáo “Kiểm soát sự tiến triển của bệnh thận mạn và vai trò của SGLT-2i”. Bài báo cáo đã đưa ra các bằng chứng khoa học về việc sử dụng các chỉ số eGFR và UACR để phát hiện sớm bệnh thận mạn; trình bày các nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả, an toàn và lợi ích của nhóm thuốc ức chế SGLT2 trên tim, thận và chuyển hoá, giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh thận mạn, cải thiện các biến chứng tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở bệnh nhân bệnh thận mạn. Đồng thời, cập nhật một số thử nghiệm lâm sàng mới trên thế giới mở ra triển vọng điều trị bệnh thận mạn trong tương lai.
BsCKII Lương Thị Tuyết báo cáo chuyên đề “Kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân bệnh thận mạn” với các nội dung về vai trò, mục tiêu của việc cần thiết phải kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân bệnh thận mạn và các lợi ích, nguy cơ của các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn hiện nay.
Trong phần thảo luận, TS.BS Đỗ Thị Lệ Thuý - Phó Giám Đốc Bệnh viện 19-8 đã chủ trì, trao đổi và chia sẻ cùng các cán bộ, nhân viên y tế về những kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực chuyên ngành thận học tại đơn vị. Các bác sĩ cũng đã đưa ra nhiều ví dụ sinh động từ thực tế lâm sàng, giúp làm rõ các vấn đề chuyên môn, đồng thời tạo điều kiện để các cán bộ, nhân viên y tế tham dự thảo luận sôi nổi, qua đó nâng cao hiểu biết và vận dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác điều trị tại Bệnh viện.
Buổi sinh hoạt với chuyên đề về Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh thận mạn đã góp phần thiết thực trong việc nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế; đồng thời khẳng định vai trò của Câu lạc bộ Sinh hoạt khoa học là diễn đàn bổ ích để cập nhật, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn tại Bệnh viện 19-8./.
Link download pptx file báo cáo: A8_PDF files
Mọi thắc mắc xin liên hệ:
Email: nguyenvanhai100295@gmail.com
SĐT: 0827152222 (Bs Hải)