Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

Các tác dụng phụ của thuốc thụt hậu môn cần lưu ý

Thuốc thụt hậu môn thường được sử dụng trong trường hợp táo bón nặng. Tuy nhiên thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ, đặc biệt là khi dùng thường xuyên có thể dẫn đến lệ thuộc thuốc. Vậy cần lưu ý gì khi dùng thuốc thụt hậu môn?

1. Tác dụng của thuốc thụt hậu môn

Theo BSCKI. Phạm Thị Việt Anh, Phó Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 19-8, thuốc thụt hậu môn là thuốc nhuận tràng. Tác dụng chính của loại thuốc này là giúp giải quyết nhanh chóng tình trạng táo bón, làm sạch và thông thoáng đường tiêu hóa, giúp đường ruột giảm bớt áp lực, đặc biệt là hệ thống tiêu hóa dưới.

Khi thuốc đi vào hậu môn sẽ làm giãn các cơ quanh thành ruột và thành hậu môn, đồng thời làm mềm chất phân. Nhờ đó, góp phần đưa chất thải ra ngoài dễ dàng, nhanh chóng hơn, giảm cảm giác đau rát, tức bụng khó chịu khi táo bón, giảm nguy cơ chảy máu khi đại tiện.

Ngoài ra, thuốc cũng có thể được dùng cho các mục đích khác trong thăm khám và điều trị bệnh như chụp X-quang, nội soi đại tràng, làm sạch ống tiêu hóa trước phẫu thuật…

Các tác dụng phụ của thuốc thụt hậu môn cần lưu ý- Ảnh 1.

Thuốc thụt hậu môn chỉ nên dùng khi đại tiện quá khó do phân quá cứng, làm đau rát hậu môn.

2. Dùng thuốc thụt hậu môn nhiều có tốt không?

BSCKI. Phạm Thị Việt Anh cho biết, về cơ bản, thuốc thụt hậu môn được xem như giải pháp tạm thời, nhanh chóng để khắc phục tình trạng táo bón, tốt nhất không nên lạm dụng. Thuốc chỉ nên dùng khi đại tiện quá khó do phân quá cứng, làm đau rát hậu môn.

Thuốc thụt hậu môn có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

  • Dị ứng da, nổi mẩn bất thường trên da.

  • Buồn nôn, nôn ói, chóng mặt, hoa mắt, choáng, khát nước liên tục.

  • Tiêu chảy, đi ngoài nhiều lần nhưng mỗi lần rất ít.

  • Ruột dưới bị kích thích dẫn đến phản ứng nôn nao khó chịu cho người bệnh.

  • Đau bụng bất thường, cảm thấy nhói liên tục ở bụng, đau bụng âm ỉ.

  • Mất trương lực ruột, giảm nồng độ kali và khi đi đại tiện bị mất phản xạ tự nhiên.

  • Hậu môn cảm thấy châm chích khó chịu, đau rát hậu môn nhẹ hoặc ngứa ngáy.

Ngoài ra, thuốc cũng có thể dẫn đến các triệu chứng như tim đập nhanh, rối loạn nhịp tim, hồi hộp, tăng đường huyết,... Việc sử dụng thuốc thụt nhiều lần, có thể bị viêm nhiễm, nứt… hậu môn. Chính vì thế đây là thuốc chỉ nên được sử dụng trong điều trị táo bón nặng.

Hiện nay, trên mạng xã hội đang lan truyền một phương pháp thải độc (detox) được cho là có nhiều tác dụng như chống táo bón, trị bách bệnh. Đó là phương pháp thụt cà phê qua đường hậu môn nhằm mục tiêu "làm sạch" đại tràng.

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có bằng chứng khoa học khẳng định tác dụng của phương pháp này. Trong khi đó, trên thực tế đã ghi nhận nhiều biến chứng nguy hiểm do thụt cà phê gây ra, điển hình là vỡ trực tràng do thụt tháo không đúng.

Giải thích rõ hơn về điều này, BSCKI Phạm Thị Việt Anh cho biết, việc bơm cà phê vào hậu môn sẽ làm trực tràng bị giảm kích thích, lâu dài làm mất phản xạ của trực tràng, không thụt cà phê là không đại tiện được. Đồng thời, việc mất phản xạ của trực tràng cũng làm tăng nguy cơ vỡ trực tràng trong những lần thụt tháo sau, do bệnh nhân không còn cảm giác buồn đại tiện nữa. Vì vậy, rất dễ bơm quá nhiều thuốc vào trực tràng gây vỡ.

Chính vì vậy, người dân không nên tự ý thụt tháo tại nhà. Nếu không có chỉ định của bác sĩ, bạn không nên tự ý mua các sản phẩm quảng cáo về tháo thụt, làm sạch ruột, tránh nguy cơ biến chứng.

3. Một số lưu ý khi dùng thuốc thụt hậu môn

Thuốc thụt hậu môn cần được sử dụng theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. Người bệnh táo bón chỉ nên sử dụng thuốc tối đa 7 ngày. Việc dùng thuốc kéo dài có thể làm tăng phosphat và natri, giảm canxi huyết, nhiễm toan máu, BSCKI. Phạm Thị Việt Anh cho hay.

Người lớn tuổi, hoặc người bệnh trĩ, chảy máu trực tràng hoặc có bệnh lý nền không nên tự ý dùng thuốc.

Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, chỉ thụt tháo cho bé khi có chỉ định của bác sĩ. Với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể thụt tháo hậu môn tại nhà cho trẻ.

Cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, không được lạm dụng sử dụng thuốc thụt tháo thường xuyên khi trẻ bị táo bón. Vì lạm dụng sẽ khiến việc đi cầu của trẻ lệ thuộc vào thuốc. Thậm chí khi thụt tháo thường xuyên có thể khiến hậu môn bị kích thích, tổn thương các mô xung quanh…

_Sức khỏe và đời sống_