Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
Nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hóa tại Bệnh viện 19-8, nhiều ca tiền ung thư dạ dày, đại trực tràng được phát hiện sớm.
Sáng 20/9, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hoá”.
Đại tá, PGS.TS.BS Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8 cho biết, hội thảo nhằm cập nhật tiến bộ y học trong ứng dụng AI trong nội soi đường tiêu hoá, đồng thời chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật của 2 chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước là TS Misawa Masashi, Bệnh viện Showa, Đại học Yokohama, Nhật Bản và ThS.BS Trần Đức Cảnh, Khoa Nội soi, Bệnh viện K đến với các cán bộ y tế CAND.
Ứng dụng phần mềm AI trong nội soi đường tiêu hoá giúp nâng cao tỉ lệ phát hiện, tránh bỏ sót tổn thương cũng như tiết kiệm nguồn nhân lực y tế còn thiếu hụt. Phần mềm trí tuệ nhân tạo ứng dụng vào nội soi tiêu hoá sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu tầm soát, sàng lọc polyp và ung thư đại trực tràng. Cụ thể, khi sử dụng AI trong nội soi, khả năng phát hiện polyp đạt tới trên 95%.
ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ kinh nghiệm nội soi phát hiện polyp đường tiêu hoá tại Bệnh viện 19-8.
Chia sẻ về kinh nghiệm phát hiện polyp dại dày, đại tràng tại hội thảo, ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hằng, Khoa Nội tiêu hoá cho biết, tỷ lệ phát hiện polyp tại Khoa khá cao, chiếm 21%. Trung bình mỗi ngày, Khoa Nội tiêu hoá thực hiện từ 80-120 ca nội soi tiêu hóa. Khoảng 60 bệnh nhân nằm điều trị nội trú mỗi ngày. Mỗi tháng, bệnh viện thực hiện 200 ca phải cắt polyp đại trực tràng.
Nhiều ca vào thăm khám, qua nội soi đã phát hiện sớm ung thư đại trực tràng, đặc biệt là ứng dụng AI trong nội soi đường tiêu hoá đã phát hiện polyp đại trực tràng còn rất nhỏ, hoặc nằm ở góc khuẩn. Tỷ lệ phát hiện ung thư đường tiêu hoá đã nhiều hơn so với những năm trước nhờ ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại.
TS Misawa Masashi trình bày nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nội soi tiêu hoá.
ThS.BS Nguyễn Huy Dũng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 19-8 cho biết, trong lĩnh vực tiêu hóa, tầm soát polyp đại trực tràng, AI giống như con mắt thứ 3 hỗ trợ bác sĩ, tránh bỏ sót tổn thương. Đồng thời, AI cũng hỗ trợ bác sĩ phân loại được tổn thương cho người bệnh.
Đặc biệt, hiện tại bác sĩ tiêu hóa tại Việt Nam phải chịu đựng áp lực guồng làm việc rất lớn khi thực hiện hàng chục ca nội soi tiêu hóa mỗi ngày. Sự hỗ trợ của AI giống như người bạn song hành, báo hiệu cho bác sĩ có bỏ sót tổn thương không.
"Trong xu thế phát triển, AI được nâng tầm thêm bước nữa, giúp đỡ bác sĩ tránh bỏ sót tổn thương và đọc tốt phân loại tổn thương", bác sĩ Dũng cho hay.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Theo bác sĩ Dũng, trong quá trình nội soi, với tổn thương dưới 20mm không ác tính xâm nhập, các bác sĩ sẽ xử lý cắt polyp tại lúc nội soi. Đối với tổn thương có kích thước lớn hơn sẽ cân nhắc có cắt bỏ ngay chưa vì các bác sĩ sẽ phải nhuộm màu, sinh thiết polyp xem có xâm lấn hay không để đưa ra quyết định xử lý tổn thương.
"Sự hỗ trợ của AI rất tuyệt vời không bỏ sót tổn thương cho người bệnh, phát hiện từ khi còn tiền ung thư, giúp chẩn đoán sớm cho người bệnh, mang lại hiệu quả rất cao", bác sĩ Dũng nói.
Lãnh đạo các bệnh viện CAND chụp ảnh cùng các chuyên gia.
Được biết, năm 2022, Bệnh viện 19-8 đã triển khai ứng dụng AI trong chẩn đoán, nội soi tiêu hoá 3 tháng. Năm nay, với sự hỗ trợ của các hãng, bệnh viện tiếp tục đưa công nghệ này vào phục vụ người dân, nhằm phát hiện sớm tổn thương đường tiêu hoá, đặc biệt phát hiện từ giai đoạn tiền ung thư.
Tại hội thảo, TS Misawa Masashi đã thực hiện ca nội soi dạ dày, đại trực tràng cho nữ bệnh nhân 44 tuổi bằng công nghệ AI tại phòng nội soi Khoa Nội tiêu hoá và trình chiếu trực tiếp để các bác sĩ đến từ các bệnh viện CAND và bệnh xá Công an các tỉnh phía Bắc theo dõi, học tập.
Để phòng ngừa bệnh lý ung thư đường tiêu hoá, BS Dũng khuyến cáo, trước đây, polyp đại trực tràng được khuyến cáo cần lưu ý ở người cao tuổi, trên 50. Nhưng hiện nay, số lượng tổn thương ung hóa phát hiện nhiều hơn ở người trẻ nên tại Mỹ khuyến cáo người dân nội soi kiểm soát từ 45 tuổi trở lên, còn Nhật giảm xuống từ 40 tuổi phải tầm soát.
"Trong tương lai, chúng tôi mong muốn AI được nâng tầm thêm bước nữa, giúp bác sĩ tránh bỏ sót tổn thương và đọc tốt phân loại tổn thương, mang lại hiệu quả về mặt chẩn đoán", bác sĩ Dũng bày tỏ.
_Công an nhân dân Online_