Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

Bệnh viện 19-8 cứu sống hai bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch

Vào 15h35 ngày 21-5-2018, Phòng khám Cấp cứu của Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) đã tiếp nhận 2 bệnh nhân bị đa chấn thương rất nặng do bị tai nạn giao thông và đều trong tình trạng hết sức nguy kịch. Khả năng sống gần như chỉ còn le lói.

Đó là bệnh nhân bị tai nạn xe máy, Lê Anh Tú (21 tuổi) bị chấn thương sọ não, gẫy xương đùi, còn Đào Duy Tùng (27 tuổi quê Kỳ Sơn, Hòa Bình) bị thương rất nặng.

Với các chấn thương hàm mặt, sọ não và đùi trái, hai bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được, bụng chướng căng, da niêm mạc nhợt.

Nhận định tình trạng 2 bệnh nhân rất nguy kịch, bác sĩ Vũ Đức An –người trực tiếp nhận 2 bệnh nhân trên, đã lập tức xin ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Bệnh viện, để quy trình cấp cứu tối khẩn cấp của Bệnh viện được kích hoạt. Các khoa phòng nhanh chóng phối hợp, hỗ trợ cho nhau cùng tập trung vào nhiệm vụ cấp cứu, giành giật tính mạng cho 2 bệnh nhân.

Bệnh nhân Tùng được đưa thẳng đến phòng mổ để các bác sĩ tiến hành phẫu thuật khẩn cấp. Do bị vỡ gan và cuống gan nên bụng căng đầy máu, khoảng hơn 2,5 lít. Kíp mổ đã khẩn trương cầm máu cuống gan và khâu lại các thương tổn gan, đường mật, đồng thời truyền cho bệnh nhân tới 9 đơn vị máu.

Trong suốt ca mổ kéo dài gần 3 giờ liền, các bác sĩ của Bệnh viện đã phối hợp rất chặt chẽ để vừa gây mê, vừa hồi sức truyền máu, vừa mổ, từng phút từng giây “chiến đấu” với “tử thẩn”, đưa bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch.


Kiểm tra sức khỏe cho thấy các bệnh nhân đã ổn định sau mổ

Ngày 27-5, trao đổi với PV Báo CAND, bác sĩ Nguyễn Mạnh Trường, Phó trưởng Khoa Ngoại, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, cho biết: Việc phẫu thuật cho cả 2 bệnh nhân đều bị sốc đa chấn thương rất nặng này rất khó khăn, đòi hỏi khâu cấp cứu phải vô cùng khẩn trương, để tận dụng tối đa thời gian “vàng” mới cứu chữa được kịp thời.

Hơn nữa, việc phẫu thuật vỡ gan cũng rất phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, trong khi nguy cơ suy gan sau mổ bệnh nhân có thể rò mật, thậm chí tử vong là những thách thức tâm lý các bác sĩ trong suốt quá trình mổ. Với tình trạng nặng của bệnh nhân, việc hồi sức ngoại khoa cũng phải rất tốt mới mang lại sự sống cho bệnh nhân.

Sau ca mổ, bệnh nhân Tùng còn xuất hiện tình trạng suy gan nặng. Đặc biệt, những ngày đầu sau hậu phẫu nguy cơ tử vong cũng rất cao. Nhưng được điều trị đúng phác đồ, chăm sóc tận tình nên đến nay, sau 6 ngày được mổ, bệnh nhân đã ổn định, không còn dấu hiệu suy gan, rò mật.

Hiện bệnh nhân đã được cho ăn bằng đường miệng và đang tập đi lại. Bệnh nhân Tú bị vỡ nền sọ và gẫy xương đùi cũng đã qua giai đoạn nguy kịch và đang được điều trị tại Khoa phẫu thuật thần kinh.

_Thanh Hằng_