Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
Thông qua xét nghiệm tổng quát có thể phát hiện ra nguy cơ mắc một số bệnh lý diễn tiến thầm lặng như bệnh lý tim mạch, bệnh lý chuyển hóa.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm tổng quát hàng năm là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe. Đặc biệt là ở nhóm người ít quan tâm tới sức khỏe và có lối sống chưa khoa học.
Xét nghiệm tổng quát bao gồm những gì?
Xét nghiệm tổng quát rất quan trọng trong việc phát hiện nhiều bệnh lý. Ngay cả khi bệnh nhân không có dấu hiệu bất thường. Xét nghiệm tổng quát thường sử dụng: công thức máu, sinh hóa máu cơ bản, tổng phân tích nước tiểu….
- Xét nghiệm công thức máu: Mục đích nhằm hỗ trợ bác sĩ phân tích các thành phần của máu. Qua đó, bác sĩ có thể nhanh chóng phát hiện những vấn đề về máu. Như bệnh thiếu máu, nhiễm trùng máu và nhiều loại bệnh lý khác.
- Xét nghiệm sinh hóa máu gồm có:
Kiểm tra hoạt động của gan dựa trên các chỉ số quan trọng như AST, ALT, GGT và định lượng Bilirubin…
Đánh giá hoạt động của thận dựa vào kết quả chỉ số Creatinin và Ure.
Xét nghiệm đường huyết, HbA1c nhằm phát hiện nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Xét nghiệm mỡ máu để đánh giá nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, bệnh lý rối loạn chuyển hóa mỡ.
Xét nghiệm acid uric máu để đánh giá nguy cơ bệnh gout.
- Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu để đánh giá các bệnh lý liên quan đến bệnh thận, bệnh đái tháo đường, nhiễm trùng đường tiểu...
TS.BS Trần Thị Thúy Hằng giải đáp các thông tin liên quan tới xét nghiệm tổng quát.
Cần lưu ý gì khi xét nghiệm máu
Những lưu ý trước khi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm để có được những chỉ số kết quả chính xác nhất.
- Nên thực hiện xét nghiệm vào buổi sáng. Một số xét nghiệm không yêu cầu người bệnh cần nhịn ăn. Bệnh cạnh đó có những loại xét nghiệm có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng chất kích thích hoặc không cho kết quả chính xác nếu thực hiện sau ăn.
Nếu người bệnh muốn xét nghiệm hoặc được chỉ định các xét nghiệm đường huyết, mỡ máu hay định lượng các loại vitamin... Vì vậy cần nhịn ăn từ 10 đến 12 tiếng trước khi thực hiện xét nghiệm.
- Nếu đang dùng thuốc điều trị mà cần xét nghiệm, bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ tư vấn thời gian ngừng uống đối với từng loại thuốc. Bao gồm cả một số loại thuốc huyết áp hay tiểu đường…
- Đặc biệt không nên dùng chất kích thích chẳng hạn như uống trà, cà phê, uống rượu bia, hút thuốc lá... trước khi xét nghiệm để tránh gây ảnh hưởng đến kết quả. Việc kết quả bị ảnh hưởng có thể làm gián đoạn quá trình điều trị về sau.
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định những loại xét nghiệm phù hợp.
Ai nên thực hiện xét nghiệm tổng quát?
Bất cứ ai cũng cần thực hiện xét nghiệm tổng quát định kỳ từ 1 đến 2 lần trong một năm. Tuy nhiên, tần suất xét nghiệm tổng quát có thể thay đổi phụ thuộc nhiều yếu tố khác như:
- Độ tuổi.
- Môi trường làm việc.
- Thể trạng sức khỏe.
- Tiền sử bệnh của gia đình và bản thân.
Những người có yếu tố nguy cơ cao thì cần thực hiện xét nghiệm tổng quát, thăm khám thường xuyên hơn so với những đối tượng khác. Và tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định những loại xét nghiệm phù hợp.
Với những người trong độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi. Ngoài các xét nghiệm tổng quát như trên, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm khác. Như bệnh truyền nhiễm, xét nghiệm viêm gan B, xét nghiệm HIV. Những người thuộc độ tuổi sinh sản hoặc có kế hoạch sinh con sẽ được chỉ định xét nghiệm riêng, như xét nghiệm chức năng tuyến giáp, sức khỏe sinh sản.
Với những người ở độ tuổi từ 40 tuổi trở đi, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm tầm soát ung thư hoặc các xét nghiệm theo dõi điều trị các bệnh lý mạn tính...
_Sức khỏe và đời sống_