Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

Khảo sát tác dụng không mong muốn sau tiêm mũi 1 Vaccin phòng Covid 19 tại Bệnh viện 19-8.

Khảo sát tác dụng không mong muốn sau tiêm mũi 1 Vaccin phòng Covid 19 tại Bệnh viện 19-8

1. Đặt vấn đề

Sau gần 2 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ với diễn biến phức tạp; căng thẳng. Một số nước châu Âu, châu Á tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm thì vaccine được coi là chìa khóa chấm dứt đại dịch, là vũ khí được toàn nhân loại trông chờ. Tại Việt Nam tình hình dịch bệnh cũng đang rất căng thẳng với sự gia tăng số ca nhiễm ngày càng cao, những ổ dịch mới liên tiếp xuất hiện tại Bắc Giang, Bắc Ninh và một số tỉnh thành phía Nam. Với thực trạng hiện nay, Tiêm vaccine phòng COVID-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch COVID-19.Theo Kế hoạch tiêm Vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 trong lực lượng CAND, Bệnh viện 19-8 được giao nhiệm vụ tổ chức tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho các cán bộ chiến sĩ các đơn vị trực thuộc Bộ Công an đóng quân tại Hà Nội, Công an TP Hà Nội. Trong thời gian tiêm chủng đợt 1 từ 7/4/2021 đến 31/05/2021; Bệnh viện đã thực hiện tiêm phòng vaccine AstraZeneca cho trên 2800 cán bộ, chiến sĩ và vaccine Sputnik V cho trên 600 cán bộ chiến sĩ. Do đây là những Vaccin mới có mặt trên thị trường; thời gian xuất hiện chưa dài, nên việc đánh giá tác dụng và ADR của các loại vaccine là hết sức cần thiết. Hệ thống giám sát tiêm chủng Bệnh viện 19-8 đã tiến hành thu thập và ghi nhận các phản ứng xảy ra sau tiêm 30 phút và sau tiêm 24-72 giờ trên tất cả các chiến sĩ được tiêm chủng với mục tiêu: Khảo sát tác dụng không mong muốn sau tiêm mũi 1 Vaccin phòng Covid 19 tại Bệnh viện 19-8 nhằm thu thập thêm thông tin về 2 loại vaccine mới ; quan sát, theo dõi về các nguy cơ tiềm ẩn của vaccin khi tiến hành tiêm chủng.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu đánh giá

2.1. Đối tượng nghiên cứu: Các cán bộ chiến sĩ được chỉ định tiêm dưới 65 tuổi

  • Tiêu chuẩn lựa chọn: Cán bộ chiến sĩ đáp ứng đủ điều kiện sàng lọc trước tiêm chủng: không có các điểm bất thường như : mắc các bệnh cấp tính; tiền sử phản vệ độ 2 trở lên với bất kỳ tác nhân nào; tiền sử suy giảm miễn dịch đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch corticoid liều cao; tiền sử rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông; phụ nữ mang thai và cho con bú; bất thường dấu hiệu sống như nhiệt độ; mạch huyết áp.
  • Tiêu chuẩn loại trừ: Những người không khai thác được thông tin sau khi tiêm như: bỏ về không theo dõi sau tiêm 30 phút tại cơ sở tiêm chủng; không nộp lại phiếu thu thập thông tin sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine; không liên hệ được qua điện thoại…

2.2. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu trên 2805 cán bộ chiến sĩ tiêm vaccine Astra Zeneca và 646 cán bộ chiến sĩ tiêm Sputnik V. Thu thập các phản ứng không mong muốn sau tiêm 30 phút bằng cách giám sát chủ động trực tiếp tại cơ sở tiêm chủng- phòng theo dõi sau tiêm Bệnh viện 19-8. Thu thập các phản ứng sau tiêm 24-72 giờ qua phiếu thu thập thông tin sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine Covid 19 hoặc trực tiếp qua điện thoại liên hệ tới từng người đã tiêm chủng.

  • Tiến hành tiêm chủng: Cơ sở tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 phải bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng, tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vaccine phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn tiếp tục theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi tiêm; công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng luôn sẵn sàng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm chủng.
  • Các chỉ tiêu đánh giá:

- Các triệu chứng sau tiêm 30 phút: Trực tiếp theo dõi các dấu hiệu:

  • Nhiệt độ: Thân nhiệt sau tiêm bình thường ( 36- 37,5 độ C) ; sốt ( nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C); ớn lạnh.
  • Mạch: Bình thường; nhanh hay chậm
  • Huyết áp: Bình thường 120/80mmHg; tăng hay giảm huyết áp sau tiêm.
  • Mức độ tỉnh táo
  • Phản ứng trên da: phát ban, mẩn ngứa, mề đay
  • Phản ứng tại vị trí tiêm: Đau, nóng, đỏ, ngứa, sưng

- Các phản ứng sau tiêm 24-72 giờ: Chủ động thu thập thông tin các dấu hiệu:

  • Phản ứng tại vị trí tiêm: Đau, nóng, đỏ, ngứa, sưng
  • Phản ứng toàn thân: Sốt ; mệt mỏi; ớn lạnh; bồn chồn/ khó chịu.
  • Phản ứng xuất hiện trên da: phát ban; mẩn ngứa
  • Phản ứng trên các hệ cơ quan:
  • Hệ thần kinh: Đau đầu; chóng mặt
  • Hệ cơ xương khớp: Đau cơ; đau khớp; đau mỏi người
  • Hệ tiêu hóa: Nôn/ Buồn nôn; Tiêu chảy/ Đau bụng; đi ngoài
  • Hệ hô hấp: Đau họng; chảy nước mũi, ho, khó thở/ khò khè
  • Hệ bạch huyết: Nổi hạch

2.3. Xử lý số liệu:

- Thống kê cụ thể các tác dụng không mong muốn xuất hiện sau tiêm 30 phút và 24-72 giờ; tính tỷ lệ %

-Xử dụng phần mềm Microsoft Excel

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Vaccin phòng Covid 19 của Astra Zeneca

Từ ngày 06/04/2021 đến 11/05/2021, Bệnh viện 19-8 đã thực hiện tiêm chủng cho trên vaccine Astra Zeneca trên 2805 cán bộ chiến sĩ khỏe mạnh độ tuổi từ 21-61. Thực hiện theo dõi trực tiếp phản ứng sau tiêm 30 phút trên 2804 người; khai thác thông tin phản ứng sau tiêm 24-72 giờ trên 2000 người. Giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm chủng tại thời điểm sau 30 phút và sau 24-72 giờ cho kết quả như sau:

  1. Phản ứng sau tiêm 30 phút:

Bảng 1: Tổng hợp các trường hợp xảy ra phản ứng sau tiêm 30 phút

Nhận xét: 01 trường hợp sau tiêm 30 phút xuất hiện phản ứng phản vệ nhẹ ( độ 1): chóng mặt; buồn nôn; choáng; ngất; không ngứa; không phát ban; không đau bụng; không sốt. Đại tiểu tiện bình thường; Huyết áp 130/80mmHg. Sau khi được điều trị xử lý bằng Solumedrol; NaCl 0,9% 500ml; Dimedrol; theo dõi trong 24h bệnh nhân đã trở lại bình thường; đi lại làm việc được.

- 02 trường hợp đau sưng vị trí tiêm ngay sau khi tiêm và 01 trường hợp đau sưng vị trí tiêm kèm phát ban nhẹ ngoài da. Cả 03 trường hợp này đều không cần sử dụng thuốc; theo dõi tại cơ sở điều trị trong vòng 12 giờ các vết phát ban biến mất; hiện tượng đau sưng không cần phải sử dụng tới thuốc giảm đau; vận động cánh tay tiêm bình thường.

b. Phản ứng sau tiêm 24-72 giờ:

Đánh giá các phản ứng sau tiêm vaccine Astra Zeneca được thể hiện qua biểu đồ 1 dưới đây:

Biểu đồ 1: Các tác dụng không mong muốn sau khi tiêm vaccine Astra Zeneca

Nhận xét: Nhìn vào đồ thị cho thấy các phản ứng sau tiêm phòng Vaccin phòng Covid 19 của Astra Zeneca chủ yếu giống như các loại Vaccin thông thường khác với các triệu chứng phổ biến như: Sốt; đau vị trí tiêm; mệt mỏi; đau đầu; đau cơ… ( chiếm khoảng 70%). Cụ thể:

- Sốt: 751/ 2000 ( 37,55%) chủ yếu là sốt nhẹ và vừa 37,8- 38,8 độ C. Sốt cao 39-39,5 độ C: 57/2000 (2,85%). Sốt rất cao 40 độ: 3/2000 ( 0,15%).

- Đau/sưng; đỏ tại vị trí tiêm: 621/ 2000 ( 31,05%)

- Mệt mỏi: 409/2000 ( 20,45%)

- Đau cơ: 225/2000 ( 11,25%)

- Đau đầu: 204/2000 ( 10,2%).

Đặc biệt tỷ lệ người bình thường không có bất kỳ biểu hiện; triệu chứng gì sau tiêm là: 532/2000 (26,6%). Bên cạnh những phản ứng thường gặp; xuất hiện một số ADR hiếm gặp sau khi tiêm với tỷ lệ khá thấp ( < 3%) cụ thể:

- Ớn lạnh: 53/2000 ( 2,65%)

- Chóng mặt: 52/2000 ( 2,6%)

- Đau bụng; đi ngoài: 44/2000 ( 2,2%)

- Buồn nôn: 34/2000 (1,7%)

- Đau họng: 21/2000 (1,05%)

- Đau khớp: 19/2000 ( 0,95%)

- Phát ban nổi mẩn, ngứa ngoài da: 12/2000 ( 0,6%)

- Nổi hạch: 4/2000 ( 0,2%)

- Khó thở, thở gấp: 4/2000 ( 0,2%)

Không có ADR nào gây nguy hiểm tới tính mạng hay ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người được tiêm. Các phản ứng này biến mất sau 24-72 giờ sau tiêm; Đặc biệt triệu chứng đau/ nhức vị trí tiêm; đau mỏi cánh tay tiêm có thể dài hơn lên 4-5 ngày sau tiêm ở 1 số ít trường hợp. Tất cả những người đã tiêm chủng đều không sử dụng thuốc hoặc chỉ điều trị tại nhà bằng cách sử dụng thuốc giảm đau Paracetamol; dung dịch bù điện giải Oresol; bổ sung vitamin C ; 01 trường hợp sử dụng thuốc chống dị ứng dạng uống và dạng bôi theo chỉ định của bác sĩ và không có trường hợp nào cần tới cơ sở khám chữa bệnh để điều trị.

3.2. Vaccin Sputnik V

Từ ngày 25/05/2021 đến ngày 31/05/2021; Bệnh viện 19-8 đã thực hiện tiêm chủng vaccine Sputnik V cho 646 cán bộ chiến sĩ từ 18-60 tuổi.Thực hiện theo dõi trực tiếp phản ứng sau tiêm 30 phút trên 645 người; khai thác thông tin phản ứng sau tiêm 24-72 giờ trên 500 người . Giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm chủng tại thời điểm sau 30 phút và sau 24-72 giờ cho kết quả như sau:

a. Phản ứng sau tiêm 30 phút:

Bảng 2: Tổng hợp các trường hợp xảy ra phản ứng sau tiêm 30 phút

Nhận xét: Xuất hiện 01 trường hợp phản vệ độ 2 sau khi tiêm vaccine 30 phút, xuất hiện triệu chứng mệt; choáng váng; khó chịu; huyết áp giảm: 80/60mmHg. Sau khi điều trị xử lý bằng Adrenalin; theo dõi trong 24 giờ bệnh nhân bình thường trở lại; làm việc bình thường.

b. Phản ứng sau tiêm 24-72 giờ:

Đánh giá các phản ứng sau tiêm vaccine Sputnik V được thể hiện qua biểu đồ 2 dưới đây:

Biểu đồ 2: Các tác dụng không mong muốn sau khi tiêm vaccine Sputnik V

Nhận xét: Nhìn vào đồ thị cho thấy, vaccine Sputnik V là loại vaccine có độ an toàn cao thể hiện ở một số điểm sau:

- Tỷ lệ người sau khi tiêm hoàn toàn bình thường không có bất kỳ phản ứng gì chiếm hơn 50%, cụ thể: 279/ 500 ( 55,8%). Các phản ứng sau tiêm thường gặp giống như với vaccine của Astra Zeneca:

- Sốt: 30/500 ( 6%). Không có trường hợp nào sốt cao 39 độ trở lên chủ yếu là sốt nhẹ: 37,8- 38,8 độ C

- Đau/Sưng vị trí tiêm: 84/500 ( 16,8%)

- Mệt mỏi: 83/500 ( 16,6%)

- Đau mỏi cơ: 50/500 ( 10%)

- Đau đầu: 43/500 ( 8,6%)

Các phản ứng ADR hiếm gặp xuất hiện với tỷ lệ tương đối thấp ( < 2%). Cụ thể:

- Chóng mặt: 8/500 (1,6%)

- Đau khớp: 8/500 (1,6%)

- Ớn lạnh: 7/500 (1,4%)

- Đau bụng; Đi ngoài: 6/500 (1,2%)

- Phát ban, nổi mẩn/ ngứa ngoài da: 4/500 (0,8%)

- Buồn nôn: 3/500 (0,6%)

- Đau, ngứa họng: 3/500(0,6%)

- Khó thở nhẹ: 1/500 (0,2%)

- Nổi hạch: 1/500 (0,2%).

Các phản ứng ADR hiếm gặp sau tiêm diễn ra tương đối nhẹ nhàng với thời gian xuất hiện ngắn chỉ vài giờ cho đến tối đa là 48 giờ sau tiêm; không có trường hợp nào sử dụng thuốc sau khi tiêm. Tất cả những người được tiêm đều làm việc và sinh hoạt bình thường

4. Bàn luận

Giống như với tất cả các loại vaccine khác, vaccine Covid-19 có thể gây ra các phản ứng không mong muốn, mặc dù không phải ai cũng gặp phải. Trong suốt thời gian thực hiện tiêm chủng tại bệnh viện 19-8, hầu hết các tác dụng phụ không mong muốn của vaccine Covid-19 đều ở mức độ từ nhẹ đến trung bình và đều biến mất trong vòng vài ngày. Điều này là hoàn toàn bình thường và nằm trong dự liệu. Các dấu hiệu phản ứng xảy ra chứng tỏ vaccine đang kích thích cơ thể tạo phản ứng miễn dịch. Đây là một phần của quá trình huấn luyện hệ miễn dịch cách nhận diện mục tiêu và tiêu diệt virus Sars-Cov-2 nếu mắc phải. Tùy theo cơ địa của từng cá thể mà vaccine có thể gây ra một số phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng. Do đó, việc theo dõi phản ứng phụ sau tiêm phòng Covid-19 là việc làm hết sức quan trọng.

4.1. Khảo sát tác dụng không mong muốn của Vaccin phòng Covid 19 của Astra Zeneca

Một trong những phản ứng ADR hiếm gặp hiện nay đang được quan tâm sau khi tiêm Vaccin phòng Covid 19 của Astra Zeneca chính là "giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do vaccine" (VITT- vaccine induced thrombosis and thrombocytopenia). Ở một số người có đặc điểm sinh học hiếm gặp, vaccine AstraZeneca tạo ra kháng thể bất thường gây cục máu đông. Các nghiên cứu cho thấy sau tiêm vắc xin COVID-19, cơ thể có thể sinh kháng thể kháng yếu tố 4 tiểu cầu (platelet factor-PF4).Phức hợp kháng nguyên kháng thể đó hoạt hoá tiểu cầu quá mức dẫn đến giảm tiểu cầu, gây huyết khối và có thể chảy máu [1]; [2].

Tại Pháp, 11.206 báo cáo ADR đã nhận đến ngày 15 tháng 4 năm 2021 từ các chuyên gia y tế và bệnh nhân trên tổng số 3.263.188 lượt tiêm. Trong đó, 360 trường hợp xuất hiện phản ứng bất lợi sau tiêm đề cập đến tình trạng huyết khối tĩnh mạch hoặc động mạch với 8 trường hợp tử vong liên quan tới VITT [3].Theo dữ liệu mới nhất, trong số 30,8 triệu liều vaccine AstraZeneca được sử dụng tại Vương quốc Anh từ ngày 9 tháng 12 năm 2020 đến ngày 5 tháng 5 năm 2021, đã có hơn 260 trường hợp huyết khối, giảm tiểu cầu, tương đương với 10,9 trường hợp trên một triệu liều. Số ca tử vong liên quan đến huyết khối giảm tiểu cầu là 50 người trên 30,8 triệu liều [4]. Tại Việt Nam tính tới ngày 17/06/2021 đã thực hiên tiêm được 2 triệu liều vaccine với gần 90.000 người tiêm đủ 2 mũi; không có ca tử vong nào liên quan tới giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do vaccine [10]. Bản thân tại bệnh viện 19-8 thực hiện tiêm chủng cho gần 3000 người; không xuất hiện trường hợp nào nghi ngờ VITT sau khi tiêm với các biểu hiện lâm sàng khai thác có thể gặp phải như: Đau đầu dai dẳng, dữ dội, các triệu chứng thần kinh khu trú; co giật; khó thở mạnh hoặc đau ngực; đau, phù chi dưới; chảy máu, xuất huyết da; vv…

Từ ngày 8 tháng 12 năm 2020 đến ngày 10 tháng 3 năm 2021; ở Vương quốc Anh 345.280 người đã tiêm liều ChAdOx1 nCoV-19 đầu tiên. Các tác dụng phụ toàn thân thường được báo cáo nhất là mệt mỏi và đau đầu với tỷ lệ tương ứng là 33,7% và 22,8%; trong khi đó tỷ lệ sốt sau tiêm chỉ là 8,2%. Nhức mỏi và đau cục bộ xung quanh chỗ tiêm là những tác dụng không mong muốn tại vị trí tiêm được báo cáo thường xuyên nhất (57,8%). Tất cả những triệu chứng này xuất hiện thường xuyên nhất trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi tiêm chủng và kéo dài trung bình 1-2 ngày [5]. Tại bệnh viện 19-8, tác dụng không mong muốn sau tiêm vaccine Astrazeneca đều thấp hơn so với báo cáo tại Anh gần 2 lần với tỷ lệ: Mệt mỏi và đau đầu sau tiêm lần lượt là 20,45% và 10,2%; đau sưng tại vị trí tiêm là 31,02% đặc biệt là tỷ lệ đau khớp chỉ là 0,95% thấp gần 10 lần so với 11,5% tại báo cáo của Anh nhưng phản ứng sốt sau tiêm lại khá cao 37,55%. So với các báo cáo và số liệu ADR của nhà sản xuất; Vaccin phòng Covid của Astrazeneca hiện đang có độ an toàn tương đối cao khi tiêm chủng tại Việt Nam nói chung và bệnh viện 19-8 nói riêng.

4.2. Khảo sát tác dụng không mong muốn của Vaccin Sputnik V

Vaccine Sputnik V của Nga bắt đầu vào thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 3 từ ngày 11/8/2020. Đã có hơn 20.000 tình nguyện viên chia làm hai nhóm tham gia thử nghiệm vaccine Sputnik V tại 29 trung tâm y tế Nga. Cuộc thử nghiệm diễn ra trong 21 ngày. Nhóm đầu được tiêm vaccine Sputnik-V, nhóm thứ hai được tiêm giả dược [6], [8]. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được công bố trên tạp chí The Lancet, vắc xin Sputnik V hiệu quả lên tới 91,6 %, riêng đối với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỷ lệ này là 91,8% [6]. Sau tiêm, 98 % tình nguyện viên sản sinh kháng thể chống lại virút SARS CoV-2. Các tác dụng ngoại ý thường gặp nhất là đau tại chỗ tiêm (58%), tăng thân nhiệt nhẹ (50%), nhức đầu (42%), suy nhược (28%), và đau cơ và khớp (24%). Hầu hết các tác dụng ngoại ý đều nhẹ và không phát hiện thấy các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Từ ngày 5 tháng 1 đến ngày 20 tháng 1 năm 2021, tại Argentina, tổng cộng 707 nhân viên y tế đã được tiêm chủng. Tổng hợp các phản ứng sau tiêm 72 giờ bao gồm: 469 phản ứng tại chỗ đã được báo cáo với 2 ADR phổ biến nhất sau tiêm là: đau tại vị trí tiêm 57% ; đỏ và sưng 11%; 968 phản ứng toàn thân đã được báo cáo: các tác dụng không mong muốn thường gặp là: đau cơ 58%, sốt 40% và tiêu chảy là 5%; 34/707 người có các tác dụng phụ nghiêm trọng và 01 người tham gia đã phải nhập viện [9]. So sánh với 646 cán bộ chiến sĩ đã được tiêm mũi 1 tại bệnh viện 19-8, tỷ lệ xuất hiện các tác dụng không mong muốn sau tiêm thấp hơn nhiều so với các nghiên cứu đã được công bố như tỷ lệ đau tại vị trí tiêm 16,8%; đau mỏi cơ 10%; sốt 6%, đau bụng/ đi ngoài 1,2%. Đặc biệt không xuất hiện trường hợp tác dụng phụ nghiêm trọng nào; 100% người được tiêm không sử dụng bất kỳ loại thuốc nào tất cả đều tự theo dõi tại nhà mà không cần tới cơ sở y tế. Đây là kết quả tốt đẹp vượt mức mong đợi khẳng định Sputnik V vaccine có độ an toàn cao.

5. Kết luận

Gần đây, bên cạnh các tác dụng to lớn do tiêm phòng vaccine mang lại xuất hiện một số trường hợp phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca có liên quan đến tình trạng đông máu, huyết khối đặc biệt là xuất hiện các trường hợp tử vong do shock phản vệ sau tiêm tại Việt Nam . Những thông tin này gây tâm lý gây hoang mang trong dư luận, khiến nhiều người chần chừ hoặc hủy bỏ lịch tiêm chủng; ảnh hưởng rất lớn đến khả năng bao phủ của vaccine tại mỗi khu vực, quốc gia cũng như toàn cầu. Tuy nhiên theo thống kê số liệu báo cáo của tất cả các trường hợp đã tiêm chủng đều cho thấy trường hợp xuất hiện tình trạng giảm tiểu cầu và huyết khối tĩnh mạch là "rất hiếm gặp"; trường hợp shock phản vệ cũng có thể xảy ra với bất kỳ loại vaccine phòng bệnh nào trong khi lợi ích của việc tiêm vaccine mang lại trong việc bảo vệ mỗi cá nhân và cả cộng đồng trước dịch COVID-19 lớn hơn rất nhiều so với những rủi ro rất hiếm gặp nói trên. Dựa trên khảo sát sơ bộ tình hình sử dụng vaccine tại Bệnh viện 19-8 , hệ thống giám sát tiêm chủng đã ghi nhận khoảng trên 55% các trường hợp không có phản ứng gì sau tiêm đối với Sputnik V và 26,6 % các trường hợp không có phản ứng gì sau tiêm đối với AstraZeneca ; khoảng 50% phản ứng nhẹ thông thường như đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, đau cơ với cả 2 loại vaccine. Các dấu hiệu này tự khỏi trong 24-72 giờ sau tiêm ; người được tiêm không cần điều trị hoặc chỉ cần sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt tại nhà. Đây là dấu hiệu bình thường gặp phải không chỉ ở vaccine phòng COVID-19, mà còn ở các loại vaccine phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khác. Hệ thống giám sát tiêm chủng cũng ghi nhận có 02 trường hợp ( ADR< 1 phần nghìn ) có phản ứng phản vệ độ 1 và 2 sau tiêm 30 phút, được xử trí đúng theo quy định, sức khỏe của những người này đều đã ổn định, trở lại đi làm sau 1ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế. Những số liệu ghi nhận phản ứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca và Sputnik V tại Việt Nam trong 1 tháng ​qua thấp tương đương so với những số liệu do nhà sản xuất cung cấp và các báo cáo nghiên cứu trên thế giới cho thấy đây là 2 loại vaccine có độ an toàn tương đối cao. Với chiến lược tiếp tục tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung Vaccin như hiện nay, bên cạnh một số nguồn cung ứng vaccine và đã có cam kết cung ứng từ chương trình COVAX từ nhà sản xuất cung ứng vaccine AstraZeneca, vaccine Sputnik V của Nga. Việt Nam đang khẩn trương làm việc với một số nhà sản xuất khác trên thế giới tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc với mục tiêu là tăng độ bao phủ tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân Việt Nam, góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh. Các cơ sở sản xuất, nghiên cứu tiếp tục đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng, chống dịch Covid-19 để sớm chủ động được nguồn vaccine trong nước. Trong thời gian sắp tới chúng ta sẽ được tiếp cận thêm nhiều loại vaccine mới của các hãng như Pfizer, Johnson & Johnson, Moderna, Sinovac… việc đánh giá tác dụng và ADR của các loại vaccine là hết sức cần thiết. Tiêm vaccine phòng COVID-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch COVID-19.

_Phương Linh - Khoa Dược_

Tài liệu tham khảo:

1. Andreas Greinacher M.D., Thomas Thiele M.D.,et al. (2021), “Thrombotic Thrombocytopenia after ChAdOx1 nCov-19 Vaccination”, The new england journal of medicine.

2. Andreas Greinacher, Kathleen Selleng, Jan Wesche, et al. (2021), “Towards Understanding ChAdOx1 nCov-19 Vaccine-induced Immune Thrombotic Thrombocytopenia (VITT)”, Resreach square.

3. V Gras-Champel., S Liabeuf., M Baud., et al.(2021), “Atypical thrombosis associated with VaxZevria® (AstraZeneca) vaccine: Data from the French Network of Regional Pharmacovigilance Centres”, US National Library of medicine.

4. Cristiana Vagnoni .,et al. ( 2021), “COVID-19 vaccines safety and blood clots”, UK parliament.

5. CristinaMenni PhD., Kerstin KlaserMSc., AnnaMayMA., et al. (2021), “ Vaccine side-effects and SARS-CoV-2 infection after vaccination in users of the COVID Symptom Study app in the UK: a prospective observational study”, Science direct.

6. I Jones., P Roy., et al. ( 2021), “ Sputnik V COVID-19 vaccine candidate appears safe and effective ” , The Lancet

7. JA De Soto., et al. ( 2020), “ Evaluation of the Moderna, Pfizer/BioNtech, Astrazeneca/Oxford and Sputnik V Vaccines for COVID-19”, osf.io.

8. Gamaleya Research Institute of Epidemiology and Microbiology, Health Ministry of the Russian Federation ( 2021), “A Phase III Clinical Trial of the Immunogenicity and Safety of the Gam-COVID-Vac Vaccine Against COVID-19 in the UAE (SPUTNIK-UAE)” , US National Library of medicine.

9. V Pagotto., A Ferloni., MM Soriano., et al. (2021), “ Active monitoring of early safety of Sputnik V vaccine in Buenos Aires, Argentina”, medicinabuenosaires.com

10. https://ncov.moh.gov.vn ngày 18.6.2021

11. https://vietnamese.cdc.gov/coronavirus/2019- ncov/vaccines/expect/after.html